Thống đốc NHNN trả lời chất vấn trước Quốc hội (14/11/2012)

Ngày 13/11/2012, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan tới lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Phiên chất vấn do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì.
Về quản lý thị trường vàng trong nước:

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN cho biết trước đây mỗi khi giá vàng trong nước biến động, gây ra nhiều biến động kinh tế vĩ mô. Khi đó, chênh lệch giá vàng chỉ cần 400.000 đồng/lượng cũng đã đủ để tạo hiện tượng đầu cơ, buôn lậu vàng với số lượng lớn qua biên giới. Trước khi Nghị định 24 có hiệu lực (25/5/2012) thì mỗi năm có khoảng 10 - 30 tấn vàng nhập lậu, tương ứng với khoảng 0,5 - 1,5 tỷ USD. Để nhập lậu vàng, các đối tượng buôn lậu gom ngoại tệ trên chợ đen, làm tỷ giá chợ đen tăng cao, dẫn đến tỷ giá trên thị trường chính thức cũng tăng theo, làm ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu và gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Việc tỷ giá biến động tăng lên làm đội giá hàng nguyên liệu nhập khẩu, làm đội giá sản phẩm và gây lạm phát cao.

Thống đốc NHNN cho rằng, vàng không phải là hàng thiết yếu, không phục vụ cho quốc kế dân sinh. Nhưng vì sự ảnh hưởng của nó lớn như vậy nên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trước đây phải cho nhập khẩu bằng con đường chính thức để ổn định giá, để giá sát với thế giới.

Như vậy, trước đây việc quản lý thị trường vàng chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ; mỗi Bộ, mỗi cơ quan chỉ quản lý một khúc. Ngân hàng Nhà nước trước đây chỉ quản lý nhập khẩu vàng nguyên liệu để dập ra vàng miếng. Vàng nguyên liệu khi dập thành vàng miếng thì được coi là hàng hóa thông thường. Mặt khác, cả nước có trên 12.000 cửa hàng kinh doanh vàng nên có khó khăn trong việc quản lý đối với số lượng các cửa hàng kinh doanh vàng lớn như vậy.

Để khắc phục những tác động xấu của thị trường vàng đối với nền kinh tế, Chính phủ đã thực hiện một số điều chỉnh để tăng cường quản lý thị trường vàng. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24, trong đó có quy định quan trọng là Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Cùng với đó là Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động tiền tệ - ngân hàng, trong đó có hình thức xử phạt bổ sung là sung công quỹ hiện vật, tang vật vi phạm… Hai văn bản này đã tạo khung pháp lý, tạo thay đổi quan trọng trong quản lý thị trường vàng.

Thống đốc NHNN nhấn mạnh,  Nhà nước không cấm, không khuyến khích kinh doanh vàng nhưng kinh doanh phải có điều kiện, đồng thời vàng không thuộc diện bình ổn giá.

Việc đẩy mạnh quản lý thị trường vàng trong nước đã thu được những kết quả bước đầu khả quan. Đó là giảm được sức hấp dẫn của vàng, nhập lậu vàng được ngăn chặn một cách cơ bản. Từ tháng 4/2012 trở lại đây thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định. Tuy giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới nhưng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Về giải pháp huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế, theo Thống đốc NHNN ước có khoảng 250 - 400 tấn vàng nằm trong dân. Khối lượng vàng có trong nước ta chủ yếu có nguồn gốc nhập từ nước ngoài. Đến nay, do các ngân hàng đã mua được khoảng 60 tấn vàng nên khối lượng vàng trong dân còn khoảng 300 tấn, tương đương khoảng 15 tỷ USD. Đây là nguồn lực rất lớn nhưng nằm bất động trong dân cư.

Để khai thác nguồn lực này, trước hết là phải có giải pháp để người dân không tích trữ vàng,  không để xảy ra tình trạng vàng hóa nền kinh tế và phải khuyến khích chuyển đổi từ vàng  sang tiền đồng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.

Thống đốc NHNN cho biết việc thực hiện Nghị định 24 đã có kết quả bước đầu: Ngoài việc không ảnh hưởng đến vĩ mô, từ 25/5 - 25/10/2012 hệ thống ngân hàng đã mua vào hơn 60 tấn vàng, đồng nghĩa với một lượng vốn lớn được chuyển đổi sang tiền đồng để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Để  bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong những tháng cuối năm, NHNN đã gia hạn việc mua vàng cho các ngân hàng đến tháng 6/2013 thay cho quy định đến trước ngày 25/11/2012.

Về thực trạng nợ xấu và giải pháp xử lý nợ xấu:

Thống đốc NHNN cho biết,  tốc độ tăng trưởng nợ xấu gia tăng nhanh chóng từ năm 2008 (năm 2008 nợ xấu tăng 74%, 2009 27%, 2011 là 64%, từ đầu năm đến nay nợ xấu tăng 66%). Vấn đề nợ xấu và tác động của nó đã được NHNN nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc. Nếu không giải quyết nợ xấu một cách kịp thời, có thể tác động lâu dài tới nền kinh tế.

Theo Thống đốc, hiện nay có 3 loại số liệu về nợ xấu, nhưng con số đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước có ý nghĩa thực tiễn nhất, số liệu báo cáo của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), nợ xấu đến 30/9 là 4,93% còn con số đánh giá của NHNN là 8,82%.

Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu có 5 nhóm: (i) do các TCTD cho vay vốn, (ii) do các doanh nghiệp đi vay vốn, (iii)  do cơ chế chính sách ở cả chính sách vĩ mô và phát triển ngành, (iv) môi trường kinh doanh trong và ngoài nước, (v) do công thác thanh gia giám sát.

Về phía NHTM, trách nhiệm của các NHTM là lớn nhất, do tăng trưởng tín dụng quá nóng trong thời gian vừa qua đã khiến chất lượng tín dụng không tốt, khi môi trường kinh doanh xấu đi thì nợ xấu đã  gia tăng.

Thống đốc NHNN cho biết, trong thời gian qua hệ thống ngân hàng đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để giảm nợ xấu. Các TCTD phải cơ cấu lại nợ, đánh giá lại thực trạng DN để xác định thời hạn, lãi suất phù hợp hơn. Trong tháng 4/2012  NHNN đã ban hành văn bản 780 về cơ cấu nợ cho doanh nghiệp và đã đem lại kết quả rất ấn tượng. Đến 30/6/2012 tổng số nợ cơ cấu lại chỉ khoảng hơn 36.000 tỷ đồng thì đến 30/9/2012 số nợ được cơ cấu lại lên đến 252.000 tỷ đồng.

Thống đốc cho biết dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng cỡ khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, nếu không có các giải pháp này thì nợ xấu không thể giải quyết được, nợ xấu sẽ không phải 4,93% mà là con số cao hơn.

Theo số liệu Thống đốc công bố, bản thân các TCTD dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của NHNN đã trích lập dự phòng rất tốt, từ đầu năm đến nay hệ thống ngân hàng đã trích lập dự phòng mới tăng 14.000 tỷ đồng, đưa tổng số dư trích lập dự phòng rủi ro đến nay (cả chung và riêng cỡ 75.000 tỷ đồng). Các TCTD đã xử lý được 12.000 tỷ đồng nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro của mình.

Thời gian vừa qua, NHNN đã thanh tra giám sát tại một số TCTD, có TCTD báo cáo nợ xấu chỉ 1-3% nhưng khi thanh tra giám sát thì có TCTD có nợ xấu lên đến vài chục phần trăm. Điều này để thấy rằng trách nhiệm về nợ xấu trước hết của TCTD, nợ xấu tăng cao gây tổn thất cho ngân hàng thì ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro. Do vậy, dẫn tới  việc ngân hàng hoặc không có lợi nhuận, hoặc phải sử dụng vốn điều lệ và vốn thực có để xử lý nợ xấu, phải bán tài sản hoặc các biện pháp khác để có tình hình tài chính lành mạnh.

Thống đốc cho biết, nếu TCTD có sai phạm về kinh tế phải xử lý theo pháp luật về kinh tế, NHNN sẽ tạo điều kiện để TCTD khắc phục hậu quả kinh tế đã gây ra.

NHNN đã có chỉ đạo toàn bộ hệ thống, tất cả TCTD nào chưa trích lập dự phòng rủi ro thì không được chia cổ tức. Đồng thời, giao ngân hàng NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có ý kiến về phương án  phân chia cổ tức của các TCTD để có nguồn vốn xử lý nợ xấu.

Tính thanh khoản và tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng:

Theo Thống đốc NHNN, thanh khoản của hệ thống ngân hàng mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn bấp bênh, chưa thật sự ổn định. 

Trong năm 2011, tỷ lệ sử dụng vốn trong hệ thống ngân hàng lên tới hơn 100%, dẫn dến thiếu thanh khoản. Nay tình hình này đã cải thiện được, tỷ lệ sử dụng vốn dao động từ 93 - 96%. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ sử dụng vốn chỉ khoảng 30 - 70%, còn 30 - 40% còn lại sẽ dùng để đầu tư vào công cụ có thanh khoản cao, trong khi các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn đầu tư vào tín dụng nên tính thanh khoản còn chưa chắc chắn.

Bênh cạnh đó, lạm phát còn có nguy cơ  tăng trở lại cũng gây áp lực lên lãi suất. Chính vì thế, lãi suất vẫn còn cao so với khả năng hấp thụ của doanh nghiệp, song thời gian tới sẽ có giải pháp giảm lãi suất thêm nữa, trong đó có việc phải kiểm soát được lạm phát.

Về tăng trưởng tín dụng thấp, theo Thống đốc tình trạng này đã được lường trước ngay từ những tháng đầu của năm 2012. Theo Thống đốc NHNN, trước đây Việt Nam đã tăng trưởng tín dụng quá dễ dãi và hậu quả phải trả là nợ xấu tăng cao như hiện nay và gây rủi ro lớn tới hoạt động ngân hàng. Do vậy, các ngân hàng tăng cường thực hiện chặt chẽ các quy trình, quy định về cho vay nhằm kiểm soát tốt chất lượng tín dụng. Còn về phía các doanh nghiệp sau nhiều năm khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định để vay  vốn của ngân hàng.

Sau rất nhiều năm phát hành trái phiếu không thành công năm nay đã phát hành thành công với khối lượng lớn. Riêng hệ thống ngân hàng đã mua 183.000 tỷ đồng trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh phát hành, tương đương với khoảng 6-7% của tăng trưởng tín dụng.

Theo số liệu mới nhất đến ngày 30/6/2012 của NHNN, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống là khoảng 3,36%, từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ đạt được 5%.

Nếu xét cả hai góc độ này, hệ thống NH đầu tư cho nền kinh tế khoảng 5% từ tăng trưởng tín dụng và 5% từ đầu tư gián tiếp thông qua trái phiếu và tổng cộng vẫn đạt xấp xỉ 10%.

Việc thành lập công ty mua bán nợ xấu:

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, Đề án thành lập ra công ty mua bán nợ (AMC) không phải là Đề án của NHNN. NHNN chỉ được Chính phủ giao cho thay mặt Chính phủ soạn thảo và nghiên cứu kinh nghiệm trong và ngoài nước để đề xuất mô hình hoạt động, nội dung hoạt động của công ty này.

Trong dự thảo mà NHNN soạn thảo cũng đã nêu ra một loạt nhóm giải pháp liên quan đến các Bộ, ngành. Mô hình của Đề án này cũng có sự phối hợp của các Bộ, ngành để cùng giải quyết. Trong đó, có đề cập đến việc ai là người quyết định mua nợ xấu, mua với giá nào, cơ chế thanh toán, công cụ tài chính ra sao…

Thống đốc cho biết thêm, theo chương trình, sau kỳ họp này Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành tham gia vào Đề án xử lý nợ xấu này.

Thống đốc khẳng định đây là Đề án của Chính phủ và không có lợi ích nhóm. Việc xử lý nợ xấu bao gồm một gói các giải pháp. Việc thành lập ra công ty mua bán nợ xấu chỉ là một trong số các giải pháp xử lý nợ xấu.

Phát biểu tổng kết phiên trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã trả lời thẳng thắn, rõ ràng, chi tiết, đầy đủ, có tranh luận để làm sáng tỏ các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng  yêu cầu NHNN tiếp tục nghiên cứu sâu hơn các ý kiến của Đại biểu Quốc hội, nhanh chóng chỉ đạo thực hiện Đề án tái cấu trúc các TCTD, đảm bảo nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, từng bước nâng cao năng lực tài chính, quản trị và điều hành để phát triển hệ thống lành mạnh, an toàn và hiệu quả; tiếp tục điều hành công cụ chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với các cân đối vĩ mô; tiếp tục thực hiện kiềm chế lạm phát, điều hành hạ lãi suất một cách phù hợp, giải quyết tốt mối quan hệ giữa lãi suất huy động và cho vay; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thậ́p, tập trung ưu tiên các lĩnh vực như nông nghiệp-nông thôn, xóa đói và giảm nghèo. Về quản lý thị trường vàng, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước đối với thị trường vàng, không để chênh lệch quá lớn về giá vàng trong nước và quốc tế. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp để quản lý thị trường vàng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có vàng nhưng ngăn chặn được việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
 
Thanh Hà - theo website NHNN