Quản lý thị trường vàng trong nước đạt được những kết quả khả quan
Sáng ngày 31/10/2012, trong phiên họp Quốc hội khóa XIII về tình hình
kinh tế - xã hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã phát biểu về các vấn
đề liên quan đến quản lý thị trường vàng trong nước.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN tăng cường công tác chống đô la hóa, chống vàng hóa trong nền kinh tế. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã xây dựng phương án chống vàng hóa với hai mục tiêu chính là: (i) Làm cho sự biến động của giá vàng không ảnh hưởng tới tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; (ii) Đẩy lùi hiện tượng vàng hóa trong nền kinh tế và huy động được nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, trong phương án này, NHNN xác định việc chống vàng hóa được thực hiện theo 3 bước: (i) Xây dựng khung pháp lý; (ii) Chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng; (iii) Chuyển toàn bộ sang quan hệ mua - bán vàng.Đến nay, việc triển khai phương án đã thu được những kết quả đáng khả quan. Trong đó, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định (Nghị định 24 và Nghị định 95), có tác dụng điều chỉnh mọi hoạt động trên thị trường vàng trong nước. Với việc triển khai mạnh mẽ Nghị định của Chính phủ, trên thực tế thị trường trong nước không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng và tỷ giá được duy trì ổn định mặc dù giá vàng có biến động lớn.
Một trong những biểu hiện kết quả của công tác quản lý thị trường vàng là từ đầu năm tới nay các ngân hàng đã mua được khoảng 60 tấn vàng từ người dân, NHNN tiếp tục mua được khoảng 10 tỷ USD để tăng dự trữ cho quốc gia. Như vậy, đã có tổng cộng khoảng 13 tỷ USD được chuyển từ vàng và ngoại tệ sang VND để phục vụ việc ổn định và phát triển kinh tế.
Nhờ huy động được các nguồn lực này mà chúng ta đã giảm được lãi suất, chống vàng hóa, đô la hóa, đảm bảo nền kinh tế ổn định thời gian qua.
Về vấn đề độc quyền vàng miếng, theo Thống đốc, kể từ ngày 25/5/2012, các đơn vị dập vàng miếng phải chấm dứt hoạt động, chỉ có NHNN thực hiện độc quyền dập vàng miếng và chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia vì loại vàng này chiếm tới 93% thị phần vàng miếng toàn quốc.
Theo Nghị định 24, các loại vàng miếng trước đây đã cấp phép thì tiếp tục được lưu thông bình thường và Nhà nước không bắt buộc chuyển các loại vàng miếng khác sang vàng SJC.
Tuy nhiên trong thời gian qua, dư luận còn chưa hiểu hết vấn đề nên dẫn đến tâm lý đổ xô chuyển đổi sang vàng SJC. NHNN thời gian tới sẽ phổ biến rộng rãi hơn để người dân yên tâm.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu chuyển sang vàng SJC, NHNN cũng đã tiến hành kiểm tra, kiểm định theo lô lớn và tiến hành ứng trước vàng SJC cho các bên có nhu cầu, sau đó các đơn vị sẽ chuyển đổi sau.
Thống đốc NHNN khẳng định, nhìn chung vấn đề quản lý vàng miếng là phù hợp chương trình chống vàng hóa của Chính phủ. Còn các vấn đề phát sinh, NHNN sẽ phối hợp các cơ quan liên quan giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Thanh Hoàng - theo website NHNN