Năm 2015 nợ xấu của các ngân hàng giảm xuống dưới 3%

Chiều 30/10/2012,tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế- xã hội năm 2012 và kế hoạch năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã thông tin với đại biểu Quốc hội về quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Đề án tái cấu trúc các tổ chức tín dụng (TCTD) mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại đã được Bộ Chính trị cho ý kiến và NHNN đang thực hiện quyết liệt. Đề án đề cập đến lộ trình thực hiện trong 10 năm, trong đó, từ nay đến năm 2015 sẽ có mục tiêu, công việc cụ thể từng năm.

Theo Đề án, đến năm 2015, chúng ta cố gắng đưa nợ xấu của các ngân hàng xuống dưới 3% theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Hiện nay, NHNN đã và đang tiến hành thanh tra 26 tổ chức tín dụng theo kế hoạch cho cả năm 2012.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình lý giải tái cấu trúc ngân hàng không chỉ có việc sáp nhập các ngân hàng mà còn có các giải pháp để lành mạnh hóa các hoạt động tài chính của ngân hàng thương mại. Ví dụ như việc NHNN đã yêu cầu các ngân hàng phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro và điều này đã giúp thanh khoản của các ngân hàng tốt hơn…

Thống đốc cho biết, để xử lý yếu kém của hệ thống ngân hàng, “Chính phủ đã thành lập một Ban Chỉ đạo liên ngành do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và đại diện các Bộ, ban ngành, thậm chí một số địa phương tham gia. Ngoài ra, đối với mỗi ngân hàng thương mại, chúng tôi đều có một Ban chỉ đạo riêng. Do vậy, không thể chỉ có mỗi ý kiến của NHNN trong tái cấu trúc ngân hàng mà còn có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương liên quan”.

“Các luật, thông tư hướng dẫn về hoạt động ngân hàng đều xác định rõ đâu là ngân hàng thương mại cần xử lý và chúng tôi biết rõ những ngân hàng này. Để có đầy đủ cơ sở để xử lý sẽ thanh tra tại chỗ để thấy toàn cảnh bức tranh của ngân hàng này và mặt khác sẽ mời kiểm toán độc lập để đảm bảo tính khách quan. Do vậy, những tổ chức tín dụng bị xử lý là công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và giữa các Bộ, ban, ngành”.

Trước ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch về việc công khai các tiêu chí về tái cơ cấu ngân hàng thương mại, xử lý thanh khoản ngân hàng yếu kém để tạo niềm tin cho thị trường tín dụng, Thống đốc cho biết các hoạt động thanh tra, kiểm toán sẽ được công khai đầy đủ đến các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, có những đề án phải xem xét để tránh gây hoang mang cho công chúng khi đăng tải.

Về con số nợ xấu, theo Thống đốc, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hiện chưa có một bộ tiêu chí nào được coi là thống nhất để tính toán nợ xấu. Tuy nhiên, người ta đều thống nhất rằng con số do cơ quản quản lý, trong trường hợp này là Ngân hàng Nhà nước, đưa ra là có cơ sở nhất.

Diễn biến nợ xấu từ đầu năm 2012 đến nay rất thống nhất với diễn biến của nền kinh tế. “Chúng ta thấy đầu năm thì tỷ lệ hàng tồn đọng rất lớn và sau đó tỷ lệ này cũng dần giảm, chúng ta theo dõi cũng thấy rất rõ là tỷ lệ nợ xấu tăng trong những tháng đầu năm. Nhưng từ tháng 6 trở lại đây thì tỷ lệ nợ xấu tốc độ tăng đã chậm hẳn lại”.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng lưu ý rằng trong số tài sản thế chấp của doanh nghiệp có rất nhiều hàng tồn kho, tức là hàng đó đã được thế chấp để vay vốn.

NHNN đã xây dựng xong Đề án xử lý nợ xấu và Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị Đề án này vì có những thẩm quyền quyết định liên quan đến các cơ quan khác mà không chỉ có Chính phủ.

Thanh Hà - theo website NHNN