Diễn biến tỷ giá các đồng tiền trên thị trường quốc tế tuần từ 17 - 21/9/2012 (25/9/2012)

Sau khi giảm mạnh vào tuần trước do quyết định tung gói nới lỏng định lượng lần 3 của Cục dự trữ Liên bang Mỹ, đô la Mỹ đã tăng trở lại trong tuần nay so với một số đồng tiền chủ chốt trên thị trường quốc tế.
Trong tuần, đô la Mỹ đã có quá trình phục hồi nhẹ sau một đợt giảm giá mạnh. Cục dữ trữ Liên bang Mỹ đã quyết định tung ra gói nới lỏng định lượng lần 3 nên thị trường bây giờ tập trung nhiều hơn vào vấn đề nợ công của châu Âu, trong khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục đón nhận các thông tin tốt xấu đan xen. Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 15/9/2012, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm 3.000 còn 382.000 đơn, cao hơn mức dự báo à 375.000 đơn. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuy giảm song vẫn cao hơn dự báo, làm tăng lo ngại thị trường lao động Mỹ đang tiếp tục xấu đi. Tuy nhiên, Hiệp hội bất động sản quốc gia Mỹ cho biết doanh số bán nhà đã qua sử dụng tại Mỹ đã tăng 7,8% từ mức 4,47 triệu căn trong tháng 7/2012 lên 4,82 triệu căn trong tháng 8/2012, cao hơn mức dự báo của các chuyên gia kinh tế là 4,6 triệu căn. Đây là doanh số bán nhà cao nhất tại Mỹ kể từ tháng 5/2010 và tỷ lệ tăng cũng là mạnh nhất kể từ tháng 8/2011. Ngoài ra, Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại của Mỹ giảm 12% từ 133,6 tỷ USD trong Quý I/2012 xuống còn 117,4 tỷ USD trong Quý II/2012, thấp hơn mức được khảo sát là 125 tỷ USD. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ thu hẹp hơn dự báo là nhờ xuất khẩu tăng và thặng dư thu nhập lớn hơn

Trong tuần, khu vực kinh tế Eurozone tiếp tục đón nhận nhiều thông tin không mấy khả quan về khả năng xử lý cuộc khủng hoảng nợ công và phục hồi kinh tế. Mặc dù ECB đã tuyên bố khởi động kế hoạch mua trái phiếu nhằm vực dậy kinh tế khu vực, tuy nhiên, kinh tế Eurozone trong tháng 9/2012 chưa có nhiều cải thiện đáng kể mà còn có dấu hiệu thu hẹp hơn nữa và đối mặt với nguy cơ suy thoái trở lại. Theo báo cáo của Markit Economics về chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp sơ bộ, hoạt động sản xuất và dịch vụ khu vực tư nhân của 17 nước thuộc khu vực đồng Euro đã thu hẹp với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2009, bất chấp suy thoái ở Đức đã có dấu hiệu cải thiện. PMI tổng hợp của khu vực Eurozone đã giảm từ 46,3 điểm trong tháng 8/2012 xuống 45,9 điểm trong tháng 9/2012, thấp hơn mức dự báo là 46,7 điểm. Nguyên nhân chủ yếu của PMI tổng hợp bị thu hẹp là khu vực sản xuất dịch vụ suy yếu. Chỉ số PMI của khu vực dịch vụ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 39 tháng qua, từ 47,2 điểm giảm còn 46 điểm, Markit Economics cho biết. Trong khi đó, theo Trung tâm nghiên cứu kinh tế châu Âu, niềm tin vào kinh tế Đức tăng lần đầu tiên trong vòng 5 tháng lên mức -18,2 điểm trong tháng 9/2012 từ mức - 25,5 điểm của tháng 8/2012, cao hơn mức dự báo là -20 điểm. Ngoài ra, theo Cơ quan thống kê quốc gia của Italia, thặng dư thương mại của Italia trong tháng 7 đạt 4,5 tỷ Euro, mức cao nhất kể từ tháng 7/1998. Nhưng mức thặng dư thương mại cao kỷ lục này là do suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu trong nước dẫn tới giảm nhập khẩu chứ không phải do kinh tế phát triển. Đồng Euro được dự báo sẽ tiếp tục giảm giá nếu các dữ liệu kinh tế được công bố tiếp tục ảm đạm. Trong khi đó, nhiều khả năng Tây Ban Nha sẽ sớm yêu cầu trợ giúp từ Châu Âu khi các khoản nợ ngày càng gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp nước này tiếp tục đạt kỷ lục mới. Phó thủ tướng Tây Ban Nha bà Santamaria cũng đã phát biểu rằng nước này sẽ cân nhắc tìm kiếm cứu trợ nếu các điều kiện là chấp nhận được.

Trong khi đó, tại Anh, ngày 19/9/2012, Ngân hàng Trung ương Anh đã tiến hành họp và đưa ra quyết định chưa có biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa mà tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp 0,5%/năm và quy mô gói nới lỏng định lượng ở mức 375 tỷ Bảng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trên thị trường cho rằng, sau Liên minh Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, Anh có thể sẽ sớm tung ra gói kích thích mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong tuần, Bộ tài chính Anh đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm 0,3% trong năm nay, thấp hơn so với mức dự báo giảm 0,2% được đưa ra trước đó.

Tính chung trong tuần, so với giá đóng cửa cuối tuần trước, đồng đô la Mỹ đã tăng giá 1,10% so với đồng Euro, 0,83% so với đô la Úc nhưng tiếp tục giảm giá 0,09% so với Bảng Anh, 0,32% so với đồng Yên Nhật và 0,15% so với đồng Nhân dân tệ. Tại thời điểm cuối tuần, 1EUR= 1,2979 USD; 1GBP = 1,6227 USD; 1AUD= 1,0457 USD; 1USD=78,14 JPY và 1USD=6,3051 CNY.

Tại thị trường trong nước, trong tuần qua, tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng ở mức 20.828 đồng/USD, không đổi so với tuần trước. Tại thời điểm cuối tuần, các ngân hàng thương mại niêm yết tỷ giá giao dịch quanh mức 20.840-20.890 đồng/USD, tăng khoảng 10 đồng với cuối tuần trước.

Tại thời điểm cuối tuần, giá vàng quốc tế ở quanh mức 1.774,59/1.775,81USD/oz. Giá vàng SJC trong nước giao dịch ở khoảng 4.670/4.707 nghìn đồng/chỉ.
 
Thanh Hà - theo website NHNN