Tỷ giá ổn định và những tác động tích cực (20/9/2012)

Tỷ giá giống như một cái huyệt quan trọng nên việc “bấm” vào cái huyệt này sẽ tác động lớn đến nhiều mặt của nền kinh tế - xã hội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hết sức cẩn trọng trong việc điều hành, trong hơn 1 năm qua, tỷ giá cơ bản ổn định, đặc biệt là đã có xu hướng giảm trong 8 tháng qua.
Trong 8 tháng, chỉ có 3 tháng tỷ giá tăng nhẹ, còn 5 tháng giảm; tính chung 8 tháng tỷ giá giảm 1%. Đây là một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua, cũng là một trong những kết quả nổi bật trong 8 tháng năm 2012.
 
Tỷ giá ổn định và những tác động tích cực (20/9/2012)
Tốc độ tăng và giảm tỷ giá VND/USD trong 8 tháng năm 2012 (%)
(Nguồn: Tổng Cục Thống kê)

Những tác động tích cực

Trước hết, tỷ giá ổn định đã tác động tích cực đối với việc kiềm chế lạm phát: thứ nhất là giảm thiểu tình trạng nhập khẩu lạm phát, không làm cho lạm phát ở trong nước bị khuếch đại nếu chi phí nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu bị đẩy lên; thứ hai là không làm cho giá vàng ở trong nước tính bằng VND bị tăng kép (vừa do giá vàng tính bằng USD tăng, vừa do tỷ giá VND/USD tăng); thứ ba, là khi tỷ giá VND/USD ổn định, giá vàng ổn định, sẽ có tác động ổn định tâm lý, làm giảm tâm lý lạm phát, bởi vàng và USD thường được chọn là nơi trú ẩn mỗi khi lạm phát cao.

Một tác động quan trọng khác của tỷ giá là góp phần làm cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua được một lượng lớn USD trên thị trường từ dân cư và các doanh nghiệp. Từ đó, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, làm tăng sức mạnh của quốc gia, đưa lượng dự trữ ngoại hối đến nay đạt 23 tỷ USD, tương đương với 11,5 tuần nhập khẩu, tuy còn thấp hơn mức 12 tuần nhập khẩu (được coi là ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế), nhưng đã cao gấp rưỡi con số tương ứng vào cuối năm 2011. Bên cạnh đó, làm giảm tình trạng "đô la hóa" của nền kinh tế vốn đã lớn và tăng lên trong mấy năm trước. Nhà nước đã huy động được một lượng ngoại tệ lớn tồn đọng ở trong dân vào đầu tư phát triển.

Nguyên nhân có tầm quan trọng hàng đầu trong diễn biến tỷ giá VND/USD 8 tháng đầu năm 2012 là nhập siêu 8 tháng năm nay đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, cả về kim ngạch tuyệt đối (62 triệu USD so với 6.536 triệu USD, giảm 6.474 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu (chưa đến 0,1% so với 10,5%).

Có nguyên nhân do lượng ngoại tệ vào Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, chỉ giảm nhẹ (0,3%) so với cùng kỳ năm trước. Lượng kiều hối trong 6 tháng đầu năm ước đạt 4 tỷ USD. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giải ngân trong 6 tháng ước đạt 0,6 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) ròng đạt gần 1 tỷ USD. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 8 tháng ước đạt 4385 nghìn lượt người, tăng 9,4%, với mức chi tiêu bình quân 1 lượt người như năm 2011 là 934,5 USD, thì ước tính tổng chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 4,1 tỷ USD…

Doanh nghiệp và người dân đã đẩy mạnh bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại và các ngân hàng thương mại bán cho Ngân hàng Nhà nước; lượng ngoại tệ mua ròng của Ngân hàng Nhà nước lên đến hàng chục tỷ USD. Việc bán ngoại tệ cho ngân hàng một mặt do tỷ giá ổn định; mặt khác do lãi suất gửi tiết kiệm bằng VND dù đã giảm xuống nhưng vẫn còn rất cao và có sức hấp dẫn so với gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ; mặt khác nữa, quan trọng hơn là lạm phát đã được kiềm chế trong 7 tháng đầu năm, bước sang tháng 8, dù giá tiêu dùng có tăng cao hơn và sau một vài sự kiện có tác động nhưng lượng ngoại tệ mua ròng vẫn đạt 700- 800 triệu USD.

Trên thế giới, giá USD ổn định với USD-Index (chỉ số phản ánh sức mạnh của đồng USD so với một số đồng tiền mạnh khác của thế giới) xoay quanh mức 80 điểm; hiện nay, sau QE3, đã giảm xuống còn khoảng 78,8 điểm.

Ngoài các yếu tố trên, ngay từ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã có thông điệp đối với thị trường là giữ ổn định tỷ giá năm nay (nếu có biến động, đây cũng chỉ ở mức như năm ngoái: tăng khoảng 2,24%), trong khi sau 8 tháng đã giảm 1%.

Không thể chủ quan

Tuy ổn định trong thời gian tương đối dài, nhưng chưa thể chủ quan đối với sự biến động của tỷ giá, do sự ổn định tỷ giá chưa thật vững chắc, do còn có những yếu tố tác động làm tăng tỷ giá. Tốc độ tăng giá tiêu dùng đã có dấu hiệu cao trở lại từ tháng 8. Chênh lệch lãi suất gửi tiết kiệm giữa VND và USD sẽ bị thu hẹp bớt, làm cho các tổ chức, cá nhân nắm giữ USD hạn chế bán ra, nguồn cung ngoại tệ ở thị trường trong nước sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Cuối năm lại là thời điểm nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên nhiên vật liệu phục vụ đầu tư, sản xuất và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ Tết Quý Tỵ sẽ làm tăng nhu cầu ngoại tệ, gây áp lực lên tỷ giá. Tâm lý thận trọng của thị trường cũng tác động đến vàng và ngoại tệ, vốn là kênh thường được chọn của dòng vốn…

Để ổn định, cần có giải pháp tác động đến các yếu tố có thể gây bất ổn tỷ giá. Thứ nhất là tiếp tục kiềm chế nhập siêu trên cơ sở tăng xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, nhất là đối với những thiết bị kỹ thuật cũ, những mặt hàng không khuyến khích hoặc cần kiềm chế nhập khẩu, kiểm tra chặt đối với những mặt hàng tạm nhập tái xuất…  Thứ hai là cần có chính sách và giải pháp thu hút tốt hơn các nguồn ngoại tệ vào nước ta, như đẩy mạnh tiến độ thực hiện vốn FDI, giải ngân vốn ODA, FII vào nhiều hơn ra và ổn định, kiều hối, khách quốc tế,…

Đồng thời, cần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu; nâng cao hơn nữa lòng tin vào VND , khuyến khích bán USD cho ngân hàng; ổn định giá vàng, giảm thiểu chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng trên thế giới, tiến tới sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, cơ cấu lại giữa vàng và ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối.

Thanh Hà - theo website NHNN/ Chinhphu.vn