IMF: Chính sách của Chính phủ Việt Nam phát huy kết quả tích cực (10/9/2012)

Đại diện IMF đánh giá các chính sách mà Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong một năm qua đã phát huy kết quả tích cực. Chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang thực hiện là một bước đi đúng hướng.
Ông Alfred Schipke, Trưởng đoàn Tham vấn Điều IV của IMF mới được bổ nhiệm đã đưa ra nhận định này khi trả lời phỏng vấn báo chí trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, ngày 6-7/9/2012.

Ông đánh giá như thế nào về chính sách của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà  nước Việt Nam trong 12 tháng qua, đặc biệt là về chính sách tiền tệ và tỷ giá? Ông có tư vấn chính sách gì cho Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong các tháng tới và cho năm 2013?

Ông Alfred Schipke: Chúng ta vẫn nhớ bối cảnh Việt Nam một năm trước đây với lạm phát tương đối cao và  cán cân vãng lai ở vị thế yếu. Như vậy, các chính sách mà Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong một năm qua đã phát huy kết quả tích cực, cụ thể là lạm phát giảm, cán cân vãng lai được cải thiện, thị trường ngoại hối ổn định, và quan trọng nhất là dự trữ ngoại hối tăng trở lại.

Điều này cho thấy rằng các nguy cơ bị tổn thương của nền kinh tế Việt Nam đã giảm đi so với một năm trước đây, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tiềm ẩn các cú sốc tiêu cực từ bên ngoài. Tôi xin nhấn mạnh rằng ổn định kinh tế vĩ mô và các khoảng đệm chính sách được tăng cường không chỉ quan trọng đối với nguy cơ bị tổn thương của nền kinh tế mà còn khôi phục lòng tin của thị trường, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư tư nhân, cả trong nước và nước ngoài, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong tương lai.

Từ nay cho tới năm 2013, chúng tôi đặc biệt khuyến nghị Chính phủ không nới lỏng chính sách mà nên tiếp tục giữ vị thế chính sách hiện tại, trong bối cảnh lạm phát cơ bản vẫn tương đối cao và tiềm ẩn rủi ro về việc giá lương thực thế giới tăng sẽ tác động tới nền kinh tế trong nước, đồng thời Việt Nam vẫn cần tiếp tục xây dựng các khoảng đệm chính sách, đặc biệt là dự trữ quốc tế.

Ông đánh giá  như thế nào về chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà Việt Nam đang thực hiện? Ông có tư vấn và khuyến nghị chính sách gì đối với việc thực hiện Chương trình Đánh giá  Khu vực Tài chính (FSAP) mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang chủ trì phối hợp với các Bộ ngành để thực hiện?

Ông Alfred Schipke: Chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà Chính phủ Việt Nam và NHNN đang thực hiện là một bước đi đúng hướng. Tất nhiên, còn rất nhiều việc phải làm. Cải cách khu vực tài chính và khu vực ngân hàng không phải là  công việc một sớm một chiều, mà đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm lớn. Quỹ Tiền tệ quốc tế luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong quá trình củng cố hệ thống tài chính, bao gồm việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.

Việt Nam đã đề xuất tham gia vào chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP). Đây là  một chương trình tự nguyện, do Quỹ Tiền tệ  Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đang phối hợp triển khai (FSAP) tại nhiều quốc gia trên thế  giới, bao gồm Mỹ và Trung Quốc. Chương trình FSAP sẽ đưa ra một bức tranh đánh giá tổng thể hệ thống tài chính, nêu bật những điểm dễ bị tổn thương và đề xuất các biện pháp cải cách cần thiết để có một hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng khỏe mạnh. Điều này là rất cần thiết để khu vực tư nhân có thể tiếp cận tín dụng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
 
Thanh Hà - theo website NHNN