Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường (10/8/2012)

Ngày 9/8/2012, tại Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam; đồng chí Đinh Tiên Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Lê Đình Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng và trên 20 doanh nghiệp đại diện hơn 6.000 doanh nghiệp trên địa bàn...
 


Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường (10/8/2012)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh và đại diện các doanh nghiệp dự hội nghị

 

Đến đầu tháng 8/2012, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh đạt 36.369 tỷ đồng. Vốn tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ và đặc biệt là 4 nhóm lĩnh vực ưu đãi nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, ngành công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp nhỏ - vừa trên địa bàn với dư nợ đạt 15.946 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 6.125 doanh nghiệp, trong đó có 2.672 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng với dư nợ 17.826 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô sản xuất nhỏ, kinh doanh manh mún, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế, chất lượng lao động thấp, máy móc trang thiết bị sản xuất còn lạc hậu... Do vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không chứng minh được đầy đủ nguồn trả nợ và thời gian trả nợ khi có nhu cầu cơ cấu lại thời gian trả nợ; phương án kinh doanh có tính khả thi thấp... Vì thế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn cơ cấu lại nợ theo quy định hay tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của ngân hàng... Ý kiến một số doanh nghiệp cho rằng vẫn còn khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, vẫn còn tình trạng cán bộ tín dụng nhũng nhiễu làm khó khách hàng. Các doanh nghiệp cũng đề nghị ngân hàng nên xem xét lại điều kiện cho vay vốn, cần nghiên cứu sâu và vào cuộc mạnh mẽ để phân loại đối tượng khách hàng, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp, đồng thời đề nghị ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất xuống thấp hơn nữa...

Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều cho rằng, Chính phủ và NHNN đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, duy trì, ổn định và phát triển sản xuất trong thời gian gần đây. NHNN đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về tín dụng và lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Đến nay các chính sách về tín dụng, cơ cấu nợ và lãi suất của ngành ngân hàng đã và đang tác động tích cực đến thị trường tiền tệ và các hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, bàn bạc về các giải pháp nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng đối với nền kinh tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận đầy đủ thông tin về cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất; đồng thời, đây cũng là cơ hội để ngân hàng và doanh nghiệp trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ hai phía. Về phía ngân hàng, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đang tích cực xây dựng quy trình và bộ máy thực hiện việc cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp nhằm giảm bớt khó khăn, giảm bớt áp lực trả nợ cho doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay được điều chỉnh xuống tối đa là 15%; thời hạn trừ nợ được cơ cấu lại cho 122 khách hàng với dư nợ 691,2 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho khách hàng khó khăn gần 11 tỷ đồng với 352 khách hàng vay...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam; đồng chí Đinh Tiên Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã biểu dương những nỗ lực của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời cũng đánh giá cao sự liên kết - kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, chia sẻ cơ hội kinh doanh hợp tác cùng phát triển; biểu dương các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực thực hiện việc cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; từng bước giảm lãi suất cho vay góp phần vào việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Sự khơi thông dòng vốn tín dụng, kích thích tăng trưởng kinh tế đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành; trong đó, NHNN đã và đang tích cực triển khai hàng loạt các giải pháp để thực hiện nghị quyết của Chính phủ về tăng cường kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tái cấu trúc nền kinh tế. Các đồng chí cũng nhấn mạnh một số vấn đề ngành ngân hàng cần tập trung trong 6 tháng cuối năm như: Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ, đặc biệt phải nỗ lực chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp; tập trung vốn cho vay theo các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, ngành công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp nhỏ - vừa; chấp hành nghiêm lãi suất huy động và cho vay; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, bám sát khó khăn hiện nay của các tổ chức tín dụng để kiến nghị với NHNN Trung ương có giải pháp tháo gỡ kịp thời...
 
Kim Liên - theo báo Thanh Hóa