Giảm lãi suất: Những động thái tích cực của ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (11/6/2012)

Tiếp theo các giải pháp lãi suất, tín dụng đã và đang triển khai quyết liệt từ đầu năm 2012 tới nay, thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, từ ngày 11/6/2012, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm  1%/năm đối với các mức lãi suất điều hành.
Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng giảm xuống còn 12%/năm, lãi suất tái cấp vốn giảm xuống còn 11%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm xuống còn 9%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi VND không kỳ hạn và dưới 1 tháng giảm từ 3%/năm xuống còn 2%/năm; đối với tiền gửi VND có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 11%/năm xuống còn 9%/năm; đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay vốn thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa là 13%/năm. Các mức lãi suất nêu trên sẽ được duy trì tương đối ổn định trên cơ sở nhận định lạm phát năm 2012 khoảng 7-8%/năm; nếu phải điều chỉnh để phù hợp với điều kiện cụ thể, thì mức điều chỉnh sẽ nhỏ và tổng mức điều chỉnh không lớn.

Việc điều chỉnh các mức lãi suất nêu trên được cân nhắc kỹ lưỡng trên các cơ sở sau đây:

Thứ nhất, việc điều chỉnh giảm lãi suất lần này phù hợp với xu hướng kỳ vọng lạm phát, thanh khoản của các TCTD dồi dào, thị trường tiền tệ diễn biến theo xu hướng tích cực và ổn định. Mức lãi suất tiền gửi tối đa theo quy định hiện nay (11%/năm) ở mức khá cao, khoảng 3% so với lạm phát dự báo của tháng 6/2012 so với cùng kỳ năm 2011 (khoảng 7,4-7,5%) và lạm phát kỳ vọng cả năm 2012 (khoảng 7-8%); mức lãi suất này cũng có chênh lệch cao so với lãi suất tiền gửi huy động USD (khoảng 2%/năm) và mức tăng tỷ giá kỳ vọng (khoảng 2-3%/năm).

Thứ hai, NHNN đồng thời quy định trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay ngắn hạn, nhưng đối với mỗi loại trần áp dụng đều có sự linh hoạt, đáp ứng yêu cầu điều hành theo chủ trương của Chính phủ:

Đối với trần lãi suất huy động, đã có sự thay đổi so với thời gian trước, đó là chỉ quy định trần lãi suất tiền gửi VND không kỳ hạn và dưới 12 tháng, còn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do các TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Quy định như vậy tạo thuận lợi cho các TCTD cơ cấu lại nguồn vốn theo kỳ hạn theo hướng tốt lên. Và đây cũng là một bước đi để tiến tới dỡ bỏ trần lãi suất tiền gửi tối đa đối với VND trong thời gian tới.

Việc quy định trần lãi suất cho vay chỉ áp dụng đối với 4 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa là phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Nếu áp dụng một mức trần lãi suất cho vay chung sẽ dẫn đến tình trạng cào bằng lãi suất cho vay đối với tất cả các đối tượng khách hàng, không phân biệt được các đối tượng cần khuyến khích và đối tượng không khuyến khích. Đối với các lĩnh vực ưu tiên cần có một mức lãi suất thấp hơn; trong khi đó, đối với các lĩnh vực không khuyến khích, là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, phải kiểm soát chặt chẽ theo chủ trương của Chính phủ, thì lãi suất cho vay có thể cao hơn.

Nếu chỉ quy định mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động (không quy định trần lãi suất huy động và cho vay) thì chưa đủ để đạt được mục tiêu giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ vì các TCTD yếu kém, đang gặp khó khăn về thanh khoản có thể tăng lãi suất huy động lên cao để mở rộng huy động vốn, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn, từ đó kéo lãi suất cho vay tăng theo.

Thứ ba, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn như trên đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền, người vay và các TCTD. Theo đó, người gửi tiền vẫn có lãi suất thực dương; doanh nghiệp được tiếp cận vốn với lãi suất thấp hơn, đặc biệt là đối với 4 lĩnh vực ưu tiên; ngân hàng đảm bảo được chi phí hoạt động, dự phòng chi trả và có lợi nhuận ở mức hợp lý.

Việc điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN được các tổ chức quốc tế và trong nước đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao tính kịp thời của việc ra chính sách. Các nhận định đều cho rằng việc điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN là phù hợp để ổn định kinh tế vĩ mô và cũng nằm trong xu hướng chung của nhiều nước trong khu vực nhằm chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế hiện nay.

Trước thông tin Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các mức lãi suất, một số ngân hàng đã chủ động triển khai điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay và tung ra các gói tín dụng mới. Nhiều ngân hàng ấn định lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên phổ biến từ 8-10%/năm; một số ngân hàng điều chỉnh giảm 0,5-3%/năm lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn.  Những diễn biến lãi suất huy động nêu trên, cùng với điều kiện vĩ mô hiện nay (thanh khoản dồi dào, kỳ vọng lạm phát thấp, một số ngân hàng yếu kém đang được xử lý theo tiền trình cơ cấu lại, khả năng mở rộng tín dụng còn khó khăn) cho thấy không quá lo ngại về việc các TCTD tăng mạnh lãi suất huy động từ 12 tháng trở lên để tăng thị phần tiền gửi, gây khó khăn cho việc giảm lãi suất cho vay.

Đối với lãi suất cho vay, sau khi NHNN ban hành các văn bản hạ lãi suất và áp dụng trần lãi suất cho vay, một số TCTD đã tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất như  Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Sài gòn-Hà Nội. Các TCTD khác cũng đang tích cực xây dựng phương án để giảm lãi suất huy động và cho vay theo các mức lãi suất quy định của NHNN hiệu lực từ 11/6/2012.
 
Thanh Hà - theo website NHNN