Diễn biến tỷ giá các đồng tiền trên thị trường quốc tế tuần từ 28/5-01/6/2012 (5/6/2012)
Tuần qua, các thông tin về nền kinh tế Mỹ cho thấy bức tranh kinh tế
nước này có phần ảm đảm hơn tuần trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh
tế toàn cầu kém lạc quan, nhất là khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro dường
như đang trầm trọng hơn, so với tuần trước, đô la Mỹ vẫn duy trì xu
hướng lên giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thị trường quốc
tế.
Thông tin mới công bố trong tuần này về thị trường việc làm Mỹ khiến cho thị trường thất vọng. Tăng trưởng việc làm của Mỹ tháng 5 bất ngờ chững lại sau ba tháng tăng liên tiếp. Số việc làm tăng thêm trong tháng chỉ ở mức khiêm tốn 69.000 so với con số kỳ vọng 150.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng trở lại lần đầu tiên trong vòng gần 1 năm nay. Trong khi các nhà phân tích dự báo tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 8,1% của tháng tư, thì thực tế tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 tăng lên mức 8,2%. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng lên phản ánh có thêm nhiều người trong độ tuổi lao động đi tìm việc làm và có thể coi là dấu hiệu gia tăng lòng tin vào triển vọng kinh tế, tuy nhiên, số liệu này cũng là bằng chứng cho thấy cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng tại khu vực châu Âu và xu hướng suy thoái của Trung Quốc đang bắt đầu ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế Mỹ vốn đang còn nhiều khó khăn. Những tín hiệu ảm đảm trên thị trường lao động và việc làm khiến cho thị trường cho rằng nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, theo Viện Quản lý cung, chỉ số hoạt động sản xuất tháng 5 cũng giảm xuống mức 53,5 từ mức 54,8 của tháng trước và cũng thấp hơn mức kỳ vọng.Tại khu vực đồng Euro, tỷ lệ thất nghiệp cũng lên mức cao kỷ lục. Theo công bố của cơ quan thống kê khu vực hôm cuối tuần, trong tháng 4, khoảng 17,4 triệu người tại 17 quốc gia của khu vực đồng Euro đã bị mất việc, tương đương 11% dân số trong độ tuổi lao động, mức cao kỷ lục tính từ năm 1995. Trong khi khủng hoảng nợ đang diễn biến theo chiều hướng căng thẳng, các công ty kinh doanh của khu vực đang cố gắng giữ chi phí nhân công ở mức thấp do phải đối mặt với tình trạng cầu và lợi nhuận giảm. Đồng thời áp lực của những khoản nợ công cũng khiến cho chính phủ các nước phải giảm chi tiêu.
Cùng với diễn biến đáng lo ngại của khu vực lao động và việc làm, mối quan ngại về vấn đề chi phí nợ tại khu vực EU cũng đang gia tăng. Chi phí vay nợ của Tây Ban Nha lại tăng mạnh do thị trường lo ngại nước này có thể cần phải phát hành thêm nợ để vực dậy hệ thống ngân hàng. Diễn biến bất lợi này khiến cho xu hướng bán ra đồng Euro càng gia tăng. Đồng tiền này đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm so với đô la Mỹ trong phiên giao dịch cuối tuần và được dự báo có thể tiếp tục trượt giá trong những tuần sắp tới.
Trong khi đó, Đồng Yên Nhật cũng chịu áp lực giảm giá khi Bộ trưởng Tài chính nước này tuyên bố Nhật Bản sẽ hành động kiên quyết để kiềm chế sự lên giá của đồng Yên nếu như thị trường tiếp tục biến động mạnh.
Tính chung trong tuần, đồng đô la Mỹ đã tăng khoảng 4,38% so với đồng Euro, 6,05% so với đô la Úc, 1,6% so với Yên Nhật, 1,11% so với Bảng Anh. Tại thời điểm cuối tuần, 1EUR = 1,2432USD; 1AUD = 0,9698USD và 1USD = 77,99 JPY.
Trong tuần qua, tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng ở mức 20.828 đ/USD, không đổi so với thời điểm cuối tuần trước. Các NHTM niêm yết tỷ giá giao dịch quanh mức 20.840-20.890, tăng 10 đ/USD so với cuối tuần trước.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng có phiên tăng mạnh từ quanh mức 1.560 USD/oz lên mức 1.628 USD/oz do dấu hiệu ảm đảm của thị trường lao động Mỹ khiến cho thị trường dự đoán FED sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Trong khi đó, giá vàng SJC trong nước giảm khoảng 19 nghìn đồng/chỉ so với cuối tuần trước. Diễn biến này khiến cho chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thu hẹp còn khoảng 1-1,2 triệu đồng/lượng.
Thanh Hà - theo website NHNN