NHNN tích cực triển khai công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam (8/6/2012)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thời gian qua đã tích cực triển khai nhiều
biện pháp phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Tình hình triển khai công tác phòng, chống tiền giả của Ngân hàng Nhà nước và kết quả đạt được:Theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm sự an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Ngay từ khâu thiết kế, in, đúc tiền, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường các yếu tố bảo an khó làm giả nhưng dễ kiểm tra, nhận biết đối với công chúng. Đồng thời, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và phân biệt tiền thật, tiền giả. Thực tế cho thấy, các đồng tiền polymer đang được lưu hành hiện nay có khả năng chống giả cao, góp phần hạn chế tiền giả trong lưu thông, bảo vệ tốt hơn lợi ích của nhân dân và an ninh tiền tệ quốc gia.
Công tác thông tin tuyên truyền về đồng tiền Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và hướng dẫn công chúng cách nhận biết tiền thật, tiền giả đã được Ngân hàng Nhà nước tiến hành thường xuyên, liên tục cùng với việc đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phòng, chống tiền giả cho các cán bộ kiểm ngân, thủ quỹ và giao dịch viên của các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố. Nhiều lớp đào tạo, tập huấn này được tổ chức ngoài giờ làm việc hành chính để tạo điều kiện cho các đơn vị bố trí tất cả cán bộ kiểm ngân, thủ quỹ và giao dịch viên tham gia.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước còn tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng… truy quét, triệt phá nhiều đường dây mua bán, tàng trữ, lưu hành tiền giả, bắt nhiều đối tượng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế để triển khai công tác phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam.
Với những nỗ lực của các cơ quan chức năng và Ngân hàng Nhà nước, công tác đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam trong những năm vừa qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau 8 năm phát hành tiền polymer (từ năm 2004-2011), tổng số tiền giả polymer thu giữ qua hệ thống Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước giảm gần 80% so với tổng số tiền giả cotton thu giữ trong giai đoạn từ năm 1997-2004.
Năm 2011 là năm thứ tư liên tiếp, lượng tiền giả thu giữ qua hệ thống Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước giảm xuống (giảm gần 25% so với năm 2010, giảm 55% so với năm 2009 và giảm gần 60% so với năm 2008).
Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống tiền giả và phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam. Trong đó, công tác thông tin, hướng dẫn công chúng nhận biết, phân biệt tiền thật, tiền giả sẽ tiếp tục được quan tâm chú trọng hơn nữa.
Giới thiệu các Quy định của pháp luật Việt nam về phòng chống tiền giả:
Nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tiền giả, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định về phòng chống tiền giả với những mức hình phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng có các hành vi vi phạm. Cụ thể, Bộ luật hình sự và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua đã quy định rõ hình phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam như sau:
Theo quy định tại Điều 180 Bộ luật hình sự và Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có các mức hình phạt sau:
- Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
- Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
- Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo quy định tại Điều 313 Bộ luật hình sự, tội che giấu tội phạm trong lĩnh vực này có các mức hình phạt:
- Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
- Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Điều 314 Bộ luật hình sự quy định các mức hình phạt đối với tội không tố giác tội phạm:
- Người nào biết rõ các tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
- Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác tội phạm theo quy định trên.
- Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Điều 29 Luật Ngân hàng Nhà nước và Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg quy định những hành vi bị nghiêm cấm gồm có:
- Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả;
- Huỷ hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào;
- Sao, chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.
Đồng thời, tại Điều 4 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và trách nhiệm của trong việc bảo vệ tiền Việt Nam như sau:
- Bảo quản tiền Việt Nam trong quá trình quản lý, sử dụng.
- Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoặc cơ quan Công an giám định tiền.
- Kịp thời thông báo cơ quan công an hoặc bộ đội biên phòng, hải quan nơi gần nhất về những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về phòng, chống tiền giả.
- Cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân có tiền giả phải kịp thời giao nộp cho cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước, bộ đội biên phòng hoặc cơ quan hải quan nơi thuận tiện nhất.
- Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước và tổ chức khác có hoạt động ngân hàng, cơ quan hải quan, bộ đội biên phòng khi phát hiện tiền giả phải tiến hành lập biên bản thu giữ; phát hiện tiền nghi giả phải lập biên bản tạm thu giữ và kịp thời thông báo cơ quan công an nơi gần nhất.
Trước đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã Quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, séc giả, ngân phiếu giả, công trái giả và các giấy tờ có giá giả khác” và đã được triển khai tại tất cả các địa phương trong cả nước, có sự tham gia phối hợp của các Bộ, Ngành hữu quan; và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tiền giả.
Thanh Hà - theo website NHNN