Thiên tai nặng vai ngân hàng

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gặp khó khăn đã làm tăng rủi ro cho hoạt động NH.
Hàng ngàn nông dân tỉnh Sóc Trăng đang “ngồi trên lửa” khi hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài triền miên đã khiến họ mất trắng nhiều diện tích hoa màu. Tác động kép của đợt thiên tai này cũng khiến sản xuất nông nghiệp cho tới nay vẫn chưa thể trở lại. Riêng với ngành NH tỉnh Sóc Trăng, thiệt hại lần này càng khiến khó khăn chồng chất khi sản xuất nông nghiệp mấy năm trở lại đây hầu như chỉ trông vào đồng vốn NH, lại liên tục gặp rủi ro.

Nợ chồng nợ

1,5 ha lúa vụ hè thu của gia đình bác Thạch Soul, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề đã cháy khô. Hơn 20 gốc ổi trong vườn cũng đang chết dần vì nước nhiễm mặn. Nhưng điều mà bác Thạch Soul lo lắng nhất lúc này là khoản tiền 40 triệu đồng vay của Agribank đầu tư cho cây trồng giờ đây đã “bốc hơi” sau cơn hạn hán.

Theo định mức hỗ trợ của tỉnh, cứ 1 ha lúa thiệt hại, mỗi hộ được nhận 2 triệu đồng. Như vậy, gia đình bác sẽ nhận được khoản tiền 3 triệu đồng để phần nào khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, với số tiền hỗ trợ trên chỉ đủ bác Thạch Soul trả công cày.

Đối với gia đình bác Thạch Soul và nhiều hộ nông dân ở huyện Trần Đề, khoản tiền vay NH quả thực là một gia tài lớn mà không biết tới lúc nào mới trả nổi. Bởi đa phần các hộ dân ở đây chỉ trông vào làm ruộng để sinh kế.

Thiên tai nặng vai ngân hàng
Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong hơn 100 năm qua
 
Theo thống kê của Agribank huyện Trần Đề, 224 khách hàng vay của chi nhánh chủ yếu là trồng lúa đã chịu hậu quả nặng nề do xâm nhập mặn trên địa bàn, với số dư nợ thiệt hại tính tới ngày 12/5 là khoảng 6,5 tỷ đồng. Một số huyện trồng cây có giá trị cao hơn, mức thiệt hại cao gấp nhiều lần. Đơn cử như huyện Cù Lao Dung, hơn 1.100 ha cây mía và cây ăn trái bị hư hỏng, dư nợ lên tới 69,3 tỷ đồng nợ gốc và 4,7 tỷ đồng tiền lãi.

Ông Ngô Thanh Bình - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Trần Đề cho biết, hạn hán và xâm nhập mặn đã “giáng” thêm đòn xuống nhiều hộ dân vốn đang còn dư nợ được khoanh tại NH. Bởi, đa số các hộ nuôi tôm thẻ tại các xã Trung Bình, Lịch Hội Thượng, Liêu Tú mất mùa nhiều năm liền do tôm bị dịch bệnh đã được Agribank khoanh nợ. Nay một số hộ xoay sang trồng lúa thì lại tiếp tục thiệt hại vì thiên tai. Như trường hợp của cô Trương Mỹ Ánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề.

Vụ lúa năm nay, gia đình cô Ánh vay của Agribank 50 triệu đồng. Rủi thay, 1,7 ha lúa đang ở giai đoạn trổ bông đã mất gần hết sau cơn hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong hơn 100 năm qua đã gây thiệt hại khoảng 30 triệu đồng cho gia đình. Còn với số tiền hỗ trợ của tỉnh cũng chưa đủ trả tiền phân, công cày. Như vậy, cộng cả số nợ do nuôi tôm vụ trước, với thiệt hại trồng lúa vụ này, gia đình cô Ánh đã nợ NH khoảng gần 100 triệu đồng.

Nhiều rủi ro khách quan

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gặp khó khăn đã làm tăng rủi ro cho hoạt động NH. Tính đến tháng 5/2016, nợ xấu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là 686,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,94% so với tổng dư nợ, tập trung nhiều ở lĩnh vực cho vay nuôi trồng thủy sản, sau đó tới cây lúa, cây màu, chăn nuôi…

Ông Phạm Kim Hùng - Phó Giám đốc NHNN Sóc Trăng cho biết, cái khó cho Ngành là chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành NH đã phải hai lần thực hiện gia hạn nợ và khoanh nợ cho vay đối với chăn nuôi và thủy sản. Cụ thể vào năm 2012, dịch bệnh trên con tôm khiến các hộ nuôi bị thiệt hại nặng nề, nhiều hộ mất trắng.

Thực hiện Công văn số 1149/TTg - KTN ngày 8/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách cấp bách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, NHNN Sóc Trăng đã chỉ đạo các NHTM thực hiện giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vay nuôi tôm của các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã… Dư nợ được gia hạn của gần 12.000 khách hàng tại thời điểm đó là 2.144 tỷ đồng. Phải tới tận năm 2014, nhiều diện tích nuôi tôm của các hộ mới bắt đầu khôi phục và đi vào sản xuất trở lại.

Nhưng trong số này vẫn còn nhiều hộ chưa có thu nhập để trả tiền vay NH. Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 540/QĐ-TTg về việc xử lý đối với các khoản nợ quá hạn và nợ đã được cơ cấu của khách hàng là hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Thực hiện Quyết định trên, các NH trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vào thời điểm đó đã khoanh nợ cho hơn 8.500 khách hàng với số tiền khoảng 327,3 tỷ đồng.

Mặc dù gánh nặng chồng lên vai ngành NH, song theo ông Phạm Kim Hùng, những mất mát này là do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, do đó ngành NH xác định vẫn phải tiếp tục có các giải pháp để hỗ trợ bà con, ổn định sản xuất. Tuy nhiên, thiệt hại từ thiên tai lần này vượt quá sức của NHNN tỉnh. Vì vậy, ông Hùng cho biết NHNN Sóc Trăng sẽ xin chủ trương của tỉnh để đề xuất NHNN Việt Nam sớm ban hành chính sách gia hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Tuy nhiên, sau khi gia hạn, các hộ dân quay trở lại sản xuất, ai sẽ đảm bảo không còn thiệt hại nào tiếp theo trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trầm trọng hơn từng ngày, trong khi chưa có giải pháp sống chung và làm giàu với hạn mặn. Và như vậy, gánh nặng từ sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững, sẽ lại tiếp tục đặt lên vai ngành NH?
 
Theo  Thời báo ngân hàng