Chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa (03/2/2017)

Đó là một trong những mục tiêu của Chỉ thị 01/CT- NHNN Thống đốc NHNN vừa ban hành về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017.  Chỉ thị nêu rõ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (bình quân khoảng 4%), ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%). Tăng cường công tác thanh tra, giám sát trong hoạt động ngân hàng, bảo đảm hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh.

Đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế

Nhìn lại năm 2016, các chỉ tiêu tiền tệ tăng đúng định hướng NHNN đề ra từ đầu năm. Đến ngày 29/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 17,88%, huy động vốn tăng 18,38%, tín dụng tăng 18,71% so với cuối năm 2015. Thanh khoản của hệ thống được bảo đảm và có dư thừa, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt… “Năm 2016 gặp nhiều khó khăn, thách thức cả ở trong và ngoài nước, nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, chúng ta đã vượt qua khó khăn, đạt được những con số ấn tượng. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp trực tiếp, quan trọng của NHNN, của hệ thống các NH” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2017.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng cho rằng, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát, mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ, thị trường vàng ổn định, củng cố lòng tin vào đồng tiền Việt Nam, đặc biệt là với nhà đầu tư nước ngoài. Dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. “Tín dụng tăng trưởng hợp lý, nhờ đó đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Công tác tái cơ cấu các TCTD đạt kết quả bước đầu quan trọng. Đến nay, tình trạng sở hữu chéo đã được xử lý, tiếp tục củng cố niềm tin của người gửi tiền, chất lượng tín dụng được nâng cao, kỷ cương, kỷ luật thị trường tiền tệ được củng cố, tăng cường. Phương án xử lý các NH yếu kém, xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 đã được NHNN chủ động xây dựng, hoàn thiện với nhiều giải pháp có tính đột phá”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả đạt được của ngành NH cũng như phối hợp với chính sách tài khóa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, DN tiếp cận các sản phẩm của NH. Vai trò của NHNN của ngành NH rất quan trọng, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù ngay từ đầu năm, áp lực lên thị trường tiền tệ là rất lớn: lạm phát có xu hướng gia tăng; nhu cầu vốn đặc biệt vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế lớn hơn; các tác động lên thị trường tiền tệ... gây áp lực nhất định lên mặt bằng lãi suất. Thế nhưng, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, NHNN đã làm tốt công tác hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát đã đạt dưới mức chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Đạt được điều này là sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, đặc biệt là Khối bộ ngành kinh tế tổng hợp, ở đây là vai trò rất lớn của NHNN. “Thứ nhất là chúng ta kiểm soát được vấn đề tiền tệ không gây ra tác động lạm phát và không gây bất ổn vĩ mô. Thứ hai, trong công tác điều hành lạm phát, chúng ta kiểm soát được, có dư địa cho các bộ, ngành và Chính phủ điều hành mặt bằng giá. Đây là vấn đề rất có ý nghĩa quan trọng trong việc đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo lòng tin của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp vào sự kiên định của Chính phủ trong việc tạo lập ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển bền vững hơn trong năm 2017 và các năm tới”, Thống đốc nhấn mạnh.

Trách nhiệm của người đi tiên phong

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 đã được Quốc hội thông qua là: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế”.

Thủ tướng cho rằng,  về định hướng năm 2017 và thời gian tới, NHNN cần đi tiên phong để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã đề ra. Chính vì vậy, NHNN phải thực hiện tốt các công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát dưới 4%, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo đột phá trong tái cơ cấu NH, xử lý nợ xấu, góp phần phát triển kinh tế với việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Đây là trọng trách của Đảng và Nhà nước, của Chính phủ giao NHNN trong năm 2017.

Để đạt mục tiêu trên, ngay tháng đầu năm 2017 Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ban hành Chỉ thị 01/CT- NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017. Thống đốc chỉ đạo các đơn vị tại trụ sở chính chủ động triển khai các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị.  Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động thanh toán, chính sách an toàn vĩ mô, ổn định tài chính, cơ cấu lại tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; phối hợp tích cực với Bộ Tư pháp về việc kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành Luật để có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu và tăng cường sự an toàn, ổn định trong hoạt động ngân hàng. Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các bộ luật, luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực năm 2017 và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
 
Thứ hai, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tạo thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán và thị trường vốn, ổn định thị trường ngoại tệ, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
 
Thứ ba, điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
 
Thứ tư,  triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, cải thiện quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế. Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án chống Đô la hóa và vàng hóa.

Thứ năm,nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, tập trung thanh tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ phát sinh sai phạm. Tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2017; kết hợp thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật với thanh tra rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tiếp đó, triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” cho năm 2017 với những mục tiêu, giải pháp phù hợp theo lộ trình của Đề án tổng thể đã đặt ra; Chủ động triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2017 đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả với việc thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp...

Thống đốc chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động nghiên cứu, đôn đốc và hướng dẫn tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo đúng chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Gắn kết chặt chẽ với các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng ở địa phương.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng chỉ đạo các TCTD, xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2017 phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chấp hành nghiêm các quy định của NHNN về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Chỉ đạo các chi nhánh tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. 

Tiếp thu những chỉ đạo của Thủ tướng, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: Năm 2017 là năm đặc biệt quan trọng. Là năm đi vào triển khai một cách quyết liệt các Nghị quyết và chủ trương lớn được Quốc hội thông qua trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới. Để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới và trong nước chưa thuận lợi, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong năm 2017 có thể nói hết sức nặng nề. Bởi vậy, bản thân hệ thống ngân hàng thời gian tới phải xác định trách nhiệm của mình trong thực hiện chương trình, chỉ đạo của Chính phủ cũng như NHNN.

Quang Tùng