Ngành Ngân hàng đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (06/01/2017)
“Năm 2016 gặp nhiều khó khăn, thách thức cả ở trong và ngoài nước. Nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, chúng ta đã vượt qua khó khăn, đạt được những con số ấn tượng. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp trực tiếp, quan trọng của NHNN, của hệ thống các Ngân hàng” -Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2017 do NHNN Việt Nam (NHNN) tổ chức 5/1/2017.
Đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế
Năm 2016, các chỉ tiêu tiền tệ tăng đúng định hướng NHNN đề ra từ đầu năm. Đến ngày 29/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 17,88%, huy động vốn tăng 18,38%, tín dụng tăng 18,71% so với cuối năm 2015. Thanh khoản của hệ thống được bảo đảm và có dư thừa, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt…
Năm 2016, các chỉ tiêu tiền tệ tăng đúng định hướng NHNN đề ra từ đầu năm. Đến ngày 29/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 17,88%, huy động vốn tăng 18,38%, tín dụng tăng 18,71% so với cuối năm 2015. Thanh khoản của hệ thống được bảo đảm và có dư thừa, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt…
Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh phát biểu tại Hội nghị
Góp phần vào thành công của ngành ngân hàng trong năm qua có sự đóng góp không nhỏ của Agribank, ngân hàng chủ lực phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho rằng, mặc dù có những thăng trầm nhất định, nhưng cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế, những giải pháp, chính sách phù hợp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên bằng chính quyết tâm của hơn 40 nghìn người lao động trong gần 2.300 chi nhánh, Agribank kết thúc năm 2016 với những thành công tốt đẹp trong mọi mặt hoạt động kinh doanh.
Ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết thêm, hiện nay có gần 4 triệu khách hàng đang vay vốn của Agribank, thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, 7 chính sách tín dụng, 01 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường từ 0,5-1,5%/năm. Agribank đã thực hiện hàng chục đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, mỗi năm Agribank giảm thu tài chính khoảng 3.000 tỷ đồng do áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi cho các đối tượng tam nông nhưng không có cấp bù của Nhà nước, không được vay tái cấp vốn. Kể cả Chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch” vì sức khoẻ cộng đồng Agribank đang triển khai cũng bằng vốn huy động thương mại của Agribank.
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng cho rằng, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát, mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ, thị trường vàng ổn định, củng cố lòng tin vào đồng tiền Việt Nam, đặc biệt là với nhà đầu tư nước ngoài. Dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. “Tín dụng tăng trưởng hợp lý, nhờ đó đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Công tác tái cơ cấu các TCTD đạt kết quả bước đầu quan trọng. Đến nay, tình trạng sở hữu chéo đã được xử lý, tiếp tục củng cố niềm tin của người gửi tiền, chất lượng tín dụng được nâng cao, kỷ cương, kỷ luật thị trường tiền tệ được củng cố, tăng cường. Phương án xử lý các NH yếu kém, xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 đã được NHNN chủ động xây dựng, hoàn thiện với nhiều giải pháp có tính đột phá”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả đạt được của ngành NH cũng như phối hợp với chính sách tài khóa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, DN tiếp cận các sản phẩm của NH. Vai trò của NHNN của ngành NH rất quan trọng, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặc dù ngay từ đầu năm, áp lực lên thị trường tiền tệ là rất lớn: lạm phát có xu hướng gia tăng; nhu cầu vốn đặc biệt vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế lớn hơn; các tác động lên thị trường tiền tệ... gây áp lực nhất định lên mặt bằng lãi suất. Thế nhưng, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, NHNN đã làm tốt công tác hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát đã đạt dưới mức chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Đạt được điều này là sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, đặc biệt là Khối bộ ngành kinh tế tổng hợp, ở đây là vai trò rất lớn của NHNN. “Thứ nhất là chúng ta kiểm soát được vấn đề tiền tệ không gây ra tác động lạm phát và không gây bất ổn vĩ mô. Thứ hai, trong công tác điều hành lạm phát, chúng ta kiểm soát được, có dư địa cho các bộ, ngành và Chính phủ điều hành mặt bằng giá. Đây là vấn đề rất có ý nghĩa quan trọng trong việc đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo lòng tin của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp vào sự kiên định của Chính phủ trong việc tạo lập ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển bền vững hơn trong năm 2017 và các năm tới”, Thống đốc nhấn mạnh.
Thống đốc cho biết, NHNN đã phối hợp với Bộ Tài chính để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, đặc biệt là lãi suất và thanh khoản trên thị trường. Một mặt, Bộ Tài chính vẫn phát hành trái phiếu Chính phủ cao hơn con số dự kiến nhưng không gây áp lực lên mặt bằng lãi suất trên thị trường. Đây là một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo lập sự ổn định trên thị trường tiền tệ đạt được mức độ tăng trưởng. Chính phủ phát hành được trái phiếu với số lượng lớn hơn, kỳ hạn dài hơn, và mặt bằng lãi suất thấp hơn. NHNN quyết tâm sử dụng đồng bộ các công cụ để ổn định lãi suất và giảm được mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn. “Có thể nói giữ được ổn định mặt bằng lãi suất trong năm 2016 và giảm được mặt bằng lãi suất cho vay cũng là một thành công, nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng. Các TCTD đã ý thức được trách nhiệm của mình để thực hiện các hoạt động tiết giảm chi phí, có các công cụ khác nhau để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với nền kinh tế, hỗ trợ cho nền kinh tế”, Thống đốc nói.
Trách nhiệm của người đi tiên phong
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 đã được Quốc hội thông qua là: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế”.
Toàn cảnh Hội nghị
Thủ tướng cho rằng, về định hướng năm 2017 và thời gian tới, NHNN cần đi tiên phong để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã đề ra. Chính vì vậy, NHNN phải thực hiện tốt các công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát dưới 4%, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo đột phá trong tái cơ cấu NH, xử lý nợ xấu, góp phần phát triển kinh tế với việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Đây là trọng trách của Đảng và Nhà nước, của Chính phủ giao NHNN trong năm 2017.
Để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng chỉ đạo, CSTT cần được điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, sát thị trường hơn, phối hợp chính sách tài khóa hiệu quả hơn để vừa hỗ trợ tăng trưởng cao hơn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, duy trì ổn định thị trường ngoại tệ, vàng, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định giá trị đồng Việt Nam. Chính vì vậy, tư duy quản lý điều hành của NHNN phải thay đổi căn bản theo hướng tăng tính thị trường, giảm tính lệnh hành chính, nhất quán, công khai, dễ dự báo, để người dân và DN chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh và đời sống. Nâng cao năng lực phân tích dự báo, chú trọng các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro, từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, để đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý ngay từ đầu năm, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát cơ cấu tín dụng, trong đó chú trọng tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao, DNNVV, du lịch, DN khởi nghiệp; nâng cao chất lượng và kiểm soát cơ cấu tín dụng. Lưu ý các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, khách hàng có dư nợ lớn hơn 5.000 tỷ đồng… Ngành NH phải phấn đấu quyết liệt tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vay vốn cho DN, góp phần tiết kiệm chi phí vay vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ…
Tiếp đến là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu, nhất là về quy trình thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp, quyền và nghĩa vụ của người vay để báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương, trình Quốc hội theo tinh thần rút gọn thành một dự án Luật Tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu.
Thủ tướng nhấn mạnh, NHNN cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh sai phạm trong lĩnh vực NH; NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Nâng cao chất lượng, năng lực cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống, hiệu quả việc giám sát; tăng cường phối hợp công tác, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, giám sát. “Chỉ đạo TCTD chủ động xây dựng và triển khai phương án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đảm bảo đúng năng lực quản trị điều hành. Các TCTD tích cực đổi mới triển khai mạnh mẽ giải pháp cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng các dịch vụ NH hiện đại, hiệu quả, tăng cường an ninh, đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng. Có chính sách đột phá giảm thanh toán tiền mặt, cho nền kinh tế, chống trốn thuế, minh bạch tài sản, chống tham nhũng” Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị, Ngành NH, NHTM phải đi đầu trong việc hưởng ứng chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, phục vụ người dân và DN. Phấn đấu năm 2017, môi trường kinh doanh Việt Nam đứng vào nhóm đầu ASEAN trong đó có tiêu chí về tiếp cận tín dụng. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; quán triệt Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng lớn thuộc lĩnh vực NH.”Công tác thông tin, truyền thông cần được coi là công việc quan trọng. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần phối hợp tốt với NHNN để tuyên truyền cho DN và người dân hiểu rõ về chính sách tiền tệ cũng như chính sách kinh tế vĩ mô, để người dân không ngại đi vay tiền đầu tư nếu có hiệu quả” Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp thu những chỉ đạo của Thủ tướng, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: Năm 2017 là năm đặc biệt quan trọng. Là năm đi vào triển khai một cách quyết liệt các Nghị quyết và chủ trương lớn được Quốc hội thông qua trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới. Để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới và trong nước chưa thuận lợi, nhiệm vụ ngành Ngân hàng trong năm 2017 có thể nói hết sức nặng nề. Bởi vậy, bản thân hệ thống ngân hàng thời gian tới phải xác định trách nhiệm của mình trong thực hiện chương trình, chỉ đạo của Chính phủ cũng như NHNN.
Quang Tùng