Bước đột phá về cơ chế cho vay

Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN là cực kỳ quan trọng vì nó điều chỉnh hoạt động tín dụng - vốn mang lại hơn 70% nguồn thu của các TCTD và tác động đến phần lớn khách hàng.
Trong tuần qua, NHNN cùng lúc thông tin về việc ban hành hai văn bản cực kỳ quan trọng liên quan tới hoạt động cho vay của hệ thống các TCTD. Đó là Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng thay thế Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN; và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
 
Sở dĩ nói hai văn bản trên cực kỳ quan trọng vì nó điều chỉnh hoạt động tín dụng - vốn mang lại hơn 70% nguồn thu của các TCTD và tác động đến phần lớn khách hàng. Các văn bản này còn liên quan tới một số quy định trong những bộ luật quan trọng như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Kinh doanh BĐS năm 2015… Do đó, việc ban hành các thông tư này là nhằm đưa Luật vào cuộc sống.

Đơn cử, theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 thì lãi suất thỏa thuận của khoản tiền vay không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác sẽ được hướng dẫn cho vay thế nào. Chính vì vậy, NHNN đã cụ thể hóa quy định này tại Thông tư 39 khi cho phép TCTD được phép thỏa thuận về lãi suất cho vay trừ trường hợp đối với những lĩnh vực cho vay NHNN quy định trần lãi suất.

Như vậy, những nội dung đã từng được tranh luận khá gay gắt tại một số kỳ họp của Quốc hội khóa XIII khi thảo luận, xây dựng dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015 xung quanh vấn đề lãi suất đã phần nào được hóa giải, giúp các TCTD có cơ sở pháp lý để triển khai cho vay. Bên cạnh đó, hai văn bản trên còn điều chỉnh hàng loạt nội dung liên quan tới việc cho vay giữa TCTD và khách hàng như: lãi suất, thời hạn vay vốn, đơn giản hóa thủ tục vay vốn…

Ngoài ra, với Thông tư 39 được ban hành còn giúp hoạt động cho vay giữa các TCTD và khách hàng được thực hiện ngày càng minh bạch hơn, góp phần vào việc nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, phù hợp với các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế.

Đối với Thông tư 43 quy định cho vay tại các công ty tài chính cũng đang rất được thị trường chờ đợi. Bởi lẽ hiện nay sau khi thực hiện Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015, hàng loạt công ty tài chính được thành lập theo các hình thức mua bán, sáp nhập nên việc có được hành lang pháp lý đầy đủ để họ hoạt động chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Cùng với đó, các công ty tài chính chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng – đây vẫn là “kênh” cho vay phát triển còn chậm ở Việt Nam.

Theo ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NH (NHNN), nếu như ở các nước trong khu vực cho vay tiêu dùng chiếm cỡ khoảng 25 - 30%/tổng dư nợ trở lên thì tại Việt Nam tỷ lệ này còn rất thấp chỉ hơn 10%. Trong khi đó, cho vay tiêu dùng đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống, giúp kích thích người dân tiêu dùng, mua bán hàng hóa, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, những thông tin liên quan tới quy trình thủ tục cho vay qua hai văn bản này cũng được minh bạch hóa, cơ chế cho vay và xử lý nợ quá hạn cũng tiến thêm một bước, rõ ràng hơn như TCTD phải thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn đối với nợ gốc. Nội dung thông báo gồm: số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển quá hạn, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn. Đồng thời, khi thực hiện quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận, TCTD phải thông báo cho khách hàng về việc chấm dứt cho vay… Qua đó, sẽ tránh được những xung đột giữa TCTD và khách hàng vay vốn.

Vấn đề đặt ra là văn bản pháp lý đối với cơ chế cho vay đã có, tới đây, hy vọng rằng từ hai văn bản này, hệ thống các TCTD phải triển khai, thông tin tới khách hàng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khách hàng nắm bắt thông tin, tạo nên một bước tiến mới đối với cơ chế cho vay, qua đó nâng cao chất lượng tín dụng.