Phát triển thẻ tín dụng nội địa: “Vũ khí” đẩy lùi tín dụng đen
Dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến ngành tài chính - ngân hàng nhưng cũng đem đến những cơ hội để các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, trong đó có thẻ tín dụng nội địa. Sản phẩm mới này được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Phát triển thẻ tín dụng nội địa trở thành “vũ khí” để ngân hàng giúp đẩy lùi tín dụng đen |
7 ngân hàng đã ra mắt
Vừa sử dụng thẻ tín dụng nội địa thanh toán tại siêu thị điện máy, chị Minh Hường (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho biết, chiếc tủ lạnh mới mua của chị được hưởng chính sách trả góp lãi suất 0%, mỗi tháng chị chỉ phải trả 1 khoản thông qua thanh toán điện tử, không mất thêm phí. Có thẻ này, chị còn được giảm 50% một số dịch vụ và hoàn tiền mỗi lần mua sắm nên rất tiết kiệm.
Dòng thẻ tín dụng nội địa chị Hường sử dụng là dòng thẻ mới được ra mắt, nhắm tới các đối tượng có thu nhập trung bình thấp, từ 3-5 triệu đồng/tháng, với thủ tục đăng ký, mở thẻ đơn giản hy vọng sẽ hút nhiều người dùng như hộ nông dân, công nhân, người dân ở vùng sâu, vùng xa - đối tượng dễ bị tín dụng đen "tấn công".
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đang phát hành thẻ tín dụng nội địa i-Zero. Dòng thẻ này cho phép khách hàng được rút tiền mặt tới 100% hạn mức thẻ, mỗi lần rút tối đa 10 triệu đồng. Khách hàng không phải trả lãi cho ngân hàng trong suốt thời hạn được cấp hạn mức tín dụng thẻ. Nếu đến hạn chưa thanh toán hết, khách hàng chỉ cần thanh toán cho ngân hàng khoản phí quản lý giao dịch là 1,99%.
Hay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa sẽ được hưởng hạn mức tín dụng từ 10 triệu VND trở lên, có thể rút tiền mặt 100% hạn mức tín dụng tại ATM/POS trong nước với phí chỉ 0.5%/giao dịch. Ngoài ra khách hàng còn được linh hoạt trả nợ vay với thanh toán tối thiểu/tháng. Đặc biệt, khách hàng còn được giảm đến 50% tại hàng trăm điểm mua sắm, làm đẹp, ẩm thực, du lịch… với chương trình Sacombank Plus.
Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) đã đưa ra thị trường bộ đôi thẻ tín dụng nội địa mang tên Napas Bản Việt Standard và Napas Bản Việt shopON. Cả 2 loại thẻ đều được miễn phí mở thẻ, miễn phí thường niên trọn đời, thời gian miễn lãi lên đến 55 ngày thay vì 45 ngày như thường thấy. Khi mua sắm, khách hàng sẽ được ưu đãi giảm giá tối đa 50% tại hơn 10.000 điểm mua sắm trên toàn quốc, hoàn tiền từ 3-5% tùy thuộc vào loại thẻ. Ngoài ra, khách hàng mua trả góp sẽ được ưu đãi lãi suất 0%.
Trước đó, cuối tháng 1 vừa qua, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và 7 ngân hàng (VietinBank, Viet Capital Bank, ACB, HDBank, BAOVIET Bank, Sacombank và VietBank) đã "bắt tay" chính thức ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa của các ngân hàng.
Không chỉ thu hút khách hàng bằng dòng sản phẩm tiện lợi, thẻ tín dụng nội địa của các ngân hàng cũng mang đến nhiều ưu điểm như chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày, mạng lưới thanh toán rộng khắp, phí giao dịch thấp hơn so với nhiều loại thẻ tín dụng khác…
Ngoài ra, chủ thẻ tín dụng nội địa có thể rút tiền mặt tại tất cả các ATM trong nước và mạng lưới liên kết của Napas tại Hàn Quốc, một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia… với chi phí hợp lý.
Giải pháp chống tín dụng đen
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa của các ngân hàng (25/1), Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, việc các ngân hàng triển khai các loại thẻ mới này là dấu mốc quan trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm thẻ thanh toán, đồng bộ về quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật, tương thích và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, bảo mật trong thanh toán góp phần xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, đây là lựa chọn phù hợp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại với mức phí hợp lý, từng bước đẩy lùi tín dụng đen.
Lý giải nguyên nhân người dân, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa vướng vào tín dụng đen, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam cho biết, một số người khi cần tiền khẩn cấp phải tìm đến tín dụng đen là do họ không tiếp xúc dịch vụ tài chính chính thức nào cả nên buộc phải tìm đến kênh phi chính thức. Nên với hai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa sẽ giúp người dân có thêm sự lựa chọn. Khi có nhu cầu vốn thì họ sẽ tìm đến ngân hàng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, với đối tượng sử dụng là người thu nhập trung bình và thấp như công nhân, nông dân và lao động tự do có thu nhập thấp, thẻ tín dụng nội địa sẽ góp phần thúc đẩy tài chính tiêu dùng phát triển và hạn chế tín dụng đen. Để đảm bảo khả năng chi trả của chủ thẻ, hạn mức chi tiêu qua thẻ tín dụng nội địa cần được giới hạn ở mức nhất định, như 1 tháng không quá 10 triệu đồng, không rút quá 3-5 lần/ngày và mỗi lần không quá 2 triệu đồng...