Thêm nhiều ứng viên ngân hàng Việt triển vọng vào “Câu lạc bộ 10.000 tỷ” lợi nhuận
Nếu không có nhiều biến động chệch kế hoạch, năm nay dự kiến sẽ có 4 ngân hàng thương mại có lợi nhuận trước thuế vượt mốc 10.000 tỷ, cùng 3 ứng viên tiềm năng.
Với các kết quả đã công bố, 2018 là một năm kinh doanh khả quan của ngành ngân hàng, khi hàng loạt nhà băng công bố lợi nhuận tăng vọt, thậm chí con số tăng trưởng còn được tính bằng lần.
Thống kê tại 25 ngân hàng công bố báo cáo tài chính năm 2018 cho thấy, có tới 21 ngân hàng (tương đương 84%) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương; trong đó, có tới 16 nhà băng góp mặt trong câu lạc bộ lãi nghìn tỷ.
Đặc biệt, trong năm này, đã có hai thành viên đã đạt lợi nhuận vượt con số 10.000 tỷ, gồm Vietcombank và Techcombank.
Với lợi thế quy mô, tài sản, Vietcombank liên tục duy trì vị trí quán quân lợi nhuận trong nhiều năm qua. Năm 2018 cũng không ngoại lệ khi ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế lên tới 18.269 tỷ đồng, tăng trưởng tới 61% so với con số đạt được trong năm 2017.
Trong khi đó, với mức lợi nhuận 10.600 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ, Techcombank soán vị trí của VietinBank, vươn lên vị trí thứ hai về lợi nhuận trong hệ thống. Đây cũng là ngân hàng tư nhân đầu tiên đạt được con số này.
Sang năm 2019, hai nhà băng trên tiếp tục kế hoạch đưa con số lợi nhuận lên một tầm cao mới. Vietcombank hướng tới gần mốc 1 tỷ USD khi đặt mục tiêu 20.500 tỷ đồng. Techcombank cũng dự kiến đạt 11.750 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 10% so với năm trước.
Và trong năm nay, số nhà băng vượt mức lợi nhuận 10.000 tỷ được dự báo sẽ không chỉ dừng ở con số 2.
Theo tài liệu gửi cổ đông trước thềm đại hội, Hội đồng Quản trị BIDV trình thông qua kế hoạch lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm trước. Với kế hoạch này, BIDV trở thành ứng viên thứ ba của "Câu lạc bộ 10.000 tỷ" lợi nhuận các ngân hàng Việt Nam năm nay.
Trước đó, trong năm 2018, BIDV cũng là ngân hàng ghi nhận lợi nhuận thuần cao nhất hệ thống, thậm chí vượt qua cả Vietcombank, với con số lên tới 28.366 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã “ngốn” tới 66,6% tổng lợi nhuận khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn 9.473 tỷ đồng, tăng nhẹ 9,3% so với cùng kỳ.
Cũng tỏ ra tham vọng, sau khi đạt lợi nhuận kỷ lục 7.525 tỷ đồng trong năm 2018, Agribank tiếp tục lên kế hoạch mới với 10.000 tỷ đồng trong năm nay.
Nếu con số này thành hiện thực, Agribank có thể sẽ vươn lên top 4 về lợi nhuận trong hệ thống, và cũng là ứng viên tiếp theo của "câu lạc bộ 10.000 tỷ".
Ngoài ra, ba ngân hàng trong top 7 của năm trước cũng đang là những ứng viên tiềm năng, khi đặt mục tiêu tiến sát mốc 10.000 tỷ đồng năm 2019; bao gồm MB kế hoạch 9.560 tỷ đồng, VPBank và VietinBank cùng kế hoạch 9.500 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng dè dặt hơn
Dù một loạt các “ông lớn” đang hướng tới con số 10 nghìn, 20 nghìn tỷ, nhưng một điều dễ nhận thấy, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm nay của các nhà băng nhìn chung khá dè dặt, thấp hơn nhiều so với tốc độ đạt được trong năm trước.
Như tại Vietcombank, mức tăng trưởng lợi nhuận đạt được năm 2018 lên tới 63,5%, trong khi con số kế hoạch trong năm nay của ngân hàng dự kiến chỉ là 12%.
Hay tại Techcombank, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 chỉ ở mức 10%, so với mức 32,7% trong năm trước.
Trao đổi với BizLIVE, Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn trong năm nay là do ngân hàng đang đi thẳng vào dùng tiêu chuẩn kế toán tân tiến nhất trên thế giới là IFRS 9.
Theo tiêu chuẩn này, thì trước khi nợ xấu xẩy ra ngân hàng phải biết nó xẩy ra trong năm bao nhiêu, và phải dự trữ số tiền đó trước.
Trong khi đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao cho ngân hàng chỉ ở mức 13%.
“Trong khi mình không được tăng trưởng tín dụng cao, cùng lúc phải dự phòng trước cho nợ xấu cả năm, thì doanh thu trong năm nhất định sẽ khiêm tốn hơn”, ông Quốc Anh nói.
Theo đó, lãnh đạo Techcombank kỳ vọng sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hồ sơ Basel 2, thì vấn đề tăng trưởng tín dụng sẽ phù hợp hơn. Thêm vào đó, khả năng xử lý nợ xấu còn tồn lại những năm trước hoàn hảo hơn, thì những con số doanh thu, lợi nhuận sẽ theo đúng đà với những năm trước.
Hai ngân hàng VPBank và MB cũng không nằm ngoài xu hướng này khi mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận chỉ lần lượt 3,3% và 23%, trong khi cùng kỳ năm trước họ đạt được con số lần lượt 13% và 68,3%.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ 14% và tình trạng thiếu vốn của các nhà băng chính là hai yếu tố chính kìm hãm khả năng tăng trưởng tín dụng – vốn vẫn là “nồi cơm chính” của các nhà băng trong năm nay.
Trong khi đó, dù tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách của một số ngân hàng đã giảm nhưng con số nợ xấu tuyệt đối và nợ xấu tiềm ẩn vẫn còn khá lớn. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với các nhà băng khi chi phí dự phòng rủi ro dự báo sẽ tiếp tục chiếm một khoản lớn trên báo cáo kết quả hoạt động năm nay.