Thu 6.200 tỷ đồng sau bán cổ phần cho GIC và Mizuho, Vietcombank vẫn “khát” vốn


Thu 6.200 tỷ đồng sau bán cổ phần cho GIC và Mizuho, Vietcombank vẫn “khát” vốn

Vietcombank kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước tăng vốn bằng việc cho phép giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.

Hồi cuối năm 2018, Vietcombank đã phát hành riêng lẻ thành công hơn 111 triệu cổ phiếu mới cho hai nhà đầu tư là Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) và Mizuho Bank, thu về khoảng 6.200 tỷ đồng (tương đương gần 270 triệu USD).

Trong số hai đối tác tham gia đợt phát hành riêng lẻ, GIC đã mua 94,4 triệu cổ phần, tương đương với việc sở hữu 2,55% cổ phần Vietcombank. Mizuho mua thêm 16,7 triệu cổ phần mới để duy trì mức sở hữu 15% cổ phần ngân hàng. 

Việc phát hành cho GIC và Mizuho làm tăng vốn điều lệ của Vietcombank lên 37.100 tỷ đồng.

Với thương vụ này, Vietcombank là ngân hàng có vốn Nhà nước duy nhất tăng vốn thành công trong năm qua. Tuy nhiên, mức vốn mới tăng thêm này dường như vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu phát triển thực tế của nhà băng.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 tổ chức sáng nay, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Vietcombank cho biết, để đáp ứng chuẩn Basel II và tiến tới Basel III, các ngân hàng thương mại Nhà nước đều đang rất thiếu vốn. 

Với Vietcombank, mặc dù đã thực hiện giao dịch thành công phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài năm 2018 nhưng so với kế hoạch đã đề ra tại Đề án cơ cấu lại và để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, nhu cầu tăng vốn của ngân hàng là khá lớn.

Theo đó, Vietcombank kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước tăng vốn bằng việc cho phép giữ lại lợi nhuận để tăng vốn. 

Cụ thể, cho phép trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì trả bằng tiền mặt. Đồng thời, cho phép ngân hàng tăng vốn điều lệ từ nguồn thặng dư và lợi nhuận giữ lại tích lũy.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đề nghị Chính phủ cho phép tăng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thowng mại đồng thời với việc yêu cầu các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đảm bảo tỷ lệ sở hữu của nhà nước tối thiểu như định hướng của Chính phủ.

Ngoài ra, lãnh đạo Vietcombank cũng đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng một phần Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, đáp ứng đủ vốn an toàn tối thiểu theo Basel II.