Ngân hàng, bất động sản nguy cơ thành nơi "rửa tiền" ở Việt Nam
Ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần đầu tiên công bố đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố tại Việt Nam.Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 đã xác định nguy cơ rửa tiền của Việt Nam ở mức “trung bình”, trong khi rủi ro rửa tiền quốc gia là "trung bình cao", còn rủi ro về tài trợ khủng bố quốc gia ở mức "thấp".
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần đầu tiên công bố đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố tại Việt Nam.
Ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước), nguy cơ rửa tiền, các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, hệ thống chuyển tiền ngầm được đánh giá ở mức "cao", mảng kinh doanh kiều hối được xếp ”trung bình cao”, trong khi lĩnh vực chứng khoán, casino... xếp ở mức ”trung bình”.
Cũng theo NHNN, trong báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam lần này, Việt Nam đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền để đánh giá.
Trong đó, nguy cơ rửa tiền liên quan đến tội phạm tham ô, tham nhũng, chiếm đoạt tài sản, tội buôn bán, vận chuyển ma túy…là rất lớn.
Trong nhóm tội phạm về tham nhũng, so với tội "hối lộ" và tội "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", số vụ án bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản cao hơn.
Qua các vụ án tham ô tài sản được xét xử có thể thấy, các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền này lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các khoản tiền bị chiếm đoạt này được sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị hoặc được “rửa tiền”.
Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam mới tiến hành điều tra, khởi tố 1 vụ án về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô, là vụ Giang Kim Đạt, nguyên quyền trưởng phòng Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin – Vinashinlines, tham ô 260 tỷ đồng.
Cùng đó, các hành vi nhận hối lộ (mức trung bình cao), tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm nguy cơ cao liên quan đến rửa tiền. Thời gian qua, có nhiều vụ đại án xảy ra có nguồn gốc từ việc lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.
Mức xếp hạng rủi ro về rửa tiền đối với các lĩnh vực.
Một loại tội phạm khác, báo cáo cũng chỉ ra là đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền ở mức cao. So với các loại tội phạm nguồn của tội rửa tiền, số lượng các vụ án và bị cáo bị xét xử về tội đánh bạc là rất lớn.
Liên quan đến vụ đường dây đánh bạc qua mạng trị giá hàng nghìn tỷ đồng hiện đang trong quá trình điều tra của Bộ Công an (liên quan đến Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương và các đối tượng), Cục Phòng chống rửa tiền đã phối hợp kịp thời với cơ quan chức năng, cung cấp các thông tin tình báo tài chính theo yêu cầu của cơ quan công an, phục vụ công tác điều tra tội phạm nguồn của tội rửa tiền và tội rửa tiền.
Cũng theo Bảo, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa tiến hành khởi tố, điều tra vụ án nào về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng giá trị tài sản bị chiếm đoạt ngày càng lớn dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền.
Chỉ riêng trong năm 2016 với 2.143 vụ án được xét xử thì số tiền phải thi hành án lên đến 5.849 tỷ đồng (265,86 triệu USD), tuy nhiên mới thu hồi được 1.157 tỷ đồng (52,59 triệu USD). Loại tội phạm này thường xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản.
Đối tượng phạm tội chủ yếu là những người có vị trí xã hội nhất định và một khi xảy ra, giá trị các khoản tiền phạm tội thường lớn. Tiền, tài sản có được từ loại tội phạm này thường được các bị cáo sử dụng đầu tư vào các dự án vì vậy tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền đáng kể.