Phí rút tiền ATM, chuyển khoản các ngân hàng hiện nay ra sao?

Trong khi các ngân hàng đẩy mạnh việc phát hành thẻ thanh toán, tín dụng, rất ít trong số này miễn phí các giao dịch rút tiền, chuyển khoản cho khách hàng.


Phí rút tiền ATM, chuyển khoản các ngân hàng hiện nay ra sao?

Phần lớn giao dịch ngân hàng hiện nay đều mất phí.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết cuối năm 2012, tổng lượng thẻ ngân hàng phát hành trên thị trường đạt hơn 57,1 triệu, gấp gần 10 lần so với 6 năm trước đó.

Lũy kế đến nay, ước tính từ Napas, các tổ chức tín dụng đã phát hành trên 130 triệu thẻ các loại, trong đó có khoảng 70 triệu thẻ thường xuyên phát sinh giao dịch.

Với tốc độ gia tăng rất nhanh của thị trường, mỗi đồng phí khách hàng trả cho các giao dịch thẻ đang đóng góp lớn vào nguồn thu chung của ngân hàng.

Những ngân hàng miễn phí rút tiền ATM

Khảo sát tại hơn 20 ngân hàng thương mại hiện nay, hầu hết đều đang thu phí với các giao dịch tại hệ thống ATM.

Với giao dịch rút tiền mặt, nhiều ngân hàng như VPBank, HDBank, LienVietPostBank, TPBank, VIB, SHB… đang áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng sử dụng.

Sau thời gian dài không thu phí, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và nhiều ngân hàng khác đã tiến hành thu phí với giao dịch này gần đây. Mức phí rút tiền ATM nội mạng tại các ngân hàng này phổ biến ở mức 1.100 đồng/giao dịch (đã bao gồm thuế VAT).

Trong khi đó, hầu hết đều thu phí rút tiền  ATM ngoài hệ thống của ngân hàng.

Hiện tại, duy nhất TPBank miễn phí cho khách hàng rút tiền với cả các giao dịch ngoài hệ thống ATM ngân hàng. ACB cũng miễn phí dịch vụ này nhưng chỉ áp dụng cho các khách hàng sở hữu thẻ VIP, nếu khách rút bằng thẻ thanh toán thông thường tại ATM của ngân hàng khác sẽ phải chịu 3.300 đồng tiền phí cho mỗi giao dịch.

Mức phí 3.300 đồng đang được hầu hết ngân hàng áp dụng, kể cả những ngân hàng lớn như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, hay MBBank…

Chỉ rất ít ngân hàng thu phí rút tiền ngoài hệ thống ATM thấp hơn như SHB thu 1.100 đồng; LienVietPostBank thu phí 1.650 đồng; hay Eximbank thu 2.200 đồng…

Trao đổi với PV, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết nguyên nhân khiến ngân hàng phải áp dụng thu phí rút tiền khác hệ thống là do nhiều ngân hàng hiện nay không chú trọng đầu tư hệ thống ATM, máy POS nhưng lại đẩy mạnh việc phát hành thẻ cho khách hàng.

Điều này khiến mọi chi phí phát sinh trong mỗi giao dịch đều bị đẩy về phía đơn vị cung cấp dịch vụ ATM, POS, vì vậy các ngân hàng này buộc phải thực hiện thu phí các giao dịch ngoại mạng để bù đắp.

Đây là nguyên nhân khiến hầu hết giao dịch từ rút tiền cho tới chuyển khoản ngoài hệ thống ngân hàng hiện nay đều chịu phí khá cao so với giao dịch nội mạng.

Mất cả triệu tiền phí cho một giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng

Với các giao dịch chuyển tiền, hầu hết hiện nay đều được thực hiện thông qua hệ thống InternetBanking và MobileBanking của ngân hàng.

Với giao dịch chuyển tiền nội mạng, Vietinbank, Techcombank, VPPBank, HDBank, TPBank, SHB… là các ngân hàng đang miễn phí dịch vụ này.

Nhưng một số ngân hàng sẽ thu phí với các giao dịch có giá trị lớn như Vietcombank và MBBank thu 5.500 đồng/giao dịch chuyển tiền nội mạng có giá trị trên 50 triệu đồng; BIDV thu phí 1.100 đồng với các giao dịch 10-30 triệu, với số tiền trên 30 triệu, mức phí khách hàng BIDV phải chịu sẽ là 0,01% giá trị chuyển, tối đa 9.900 đồng.

Còn với giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng, Techcombank là ngân hàng duy nhất trong hệ thống miễn phí cho các khách hàng. Trong khi mức phí phổ biến hiện nay là 0,01-0,041% số tiền chuyển.

Như tại Vietinbank, nhà băng này thu phí 9.900 đồng/giao dịch chuyển tiền ngoại mạng dưới 50 triệu, và 0,01% (tối đa 11.000 đồng) với giao dịch trên 50 triệu.

Trong khi đó, Vietcombank thu 7.700 đồng/giao dịch dưới 10 triệu. Nhưng các giao dịch trên 10 triệu đồng sẽ chịu phí 0,02% giá trị chuyển (tối thiểu 11.000 đồng; tối đa 1,1 triệu). Ước tính, nếu khách hàng của Vietcombank chuyển trên 5,5 tỷ đồng ngoài hệ thống, mức phí sẽ đạt mức tối đa, lên tới 1,1 triệu đồng.

Mức phí tương tự cũng được nhiều ngân hàng khác áp dụng với dịch vụ chuyển tiền ngoài hệ thống, trong đó, khách hàng có thể mất tối đa 1,1 triệu đồng tiền phí chuyển khoản với các khoản tiền giá trị lớn.