Ngân hàng số đang giúp TPBank kinh doanh hiệu quả thế nào?

Hiện hơn 2/3 giao dịch của ngân hàng này đã được thực hiện trực tuyến, qua đó tiết giảm một lượng lớn chi phí nhân sự, chi phí quản lý và cũng tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí cho khách hàng

Trong vài năm trở lại đây, ngân hàng số được coi là một hướng đi mới nhằm giúp các ngân hàng đa dạng hóa doanh thu ngoài lãi và tăng trưởng huy động cá nhân.

Đây cũng được coi như một con đường phát triển tất yếu của các nhà băng, nếu như không muốn tụt lại phía sau trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão.

Tuy nhiên, ngân hàng số chính xác là gì, nó mang lại những cơ hội và thách thức như thế nào thì không phải ai cũng hiểu rõ.

Tại tọa đàm “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù” do BizLIVE tổ chức mới đây,ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng Số TPBank cho rằng, "Ngân hàng số" là một định nghĩa rất rộng, với mỗi ngân hàng, thậm chí với mỗi người đều tự có những định nghĩa riêng. 

“Với chúng tôi, ngân hàng số không phải là Internet banking hay Online banking, không phải là công nghệ ngân hàng, cũng không phải là kênh thay thế.

Với chúng tôi, ngân hàng số là một mô hình kinh doanh ngân hàng, bao gồm 4 trụ cột là sản phẩm mới, cách thức bán, kênh tiếp cận, cơ chế vận hành, phục vụ khách hàng và cơ chế kiểm soát rủi ro. Tất cả đều được trợ giúp bởi các nền tảng công nghệ mới”, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, là một trong những ngân hàng đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng số, TPBank đã có sự đầu tư chiến lược nghiêm túc không chỉ ở các sản phẩm mobile banking, internet banking mà còn có các đầu tư dàn trải nhưng không hoang phí cho tất cả các trụ cột để làm nên 1 ngân hàng số thực thụ.

Trong đó, TPBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động mô hình LiveBank, ngân hàng 24/7 vào năm 2016. Và điều này thực sự đã mang đến sự khác biệt cho nhà băng này.

Theo đó, LiveBank không những có thể thực hiện mọi chức năng của một máy ATM mà còn được tích hợp thêm các chức năng khác như tiết kiệm, mở tài khoản và phát hành thẻ debit.

Nếu như trước kia, khách hàng muốn mở tài khoản ngân hàng và nhận thẻ ATM, thời gian từ lúc đăng ký đến lúc nhận thẻ phải tính theo tuần. Nhưng với LiveBank, chỉ trong vòng 5 phút khách hàng đã có thể mở thẻ nhờ sự kết hợp công nghệ OCR, nhận dạng sinh trắc học và API mở với các CSDL bên ngoài.

Nhờ tính thuận tiện, an toàn và bảo mật, dịch vụ LiveBank của TPBank đã có bước phát triển nhanh chóng khi chỉ trong vòng 3 tháng, dịch vụ này đã thu hút tới 10.000 khách hàng mở thẻ ATM thành công.

Theo đó, LiveBank giúp ngân hàng mở rộng mạng lưới và chiếm lĩnh thị phần một cách nhanh chóng nhờ chi phí đầu tư thấp hơn chi nhánh truyền thống.

Ông Nam cho biết, LiveBank có chi phí giao dịch chỉ bằng 1/2 chi phí tại quầy, chi phí vận hành chỉ bằng 1/5 chi phí quầy, chi phí tiền đang chuyển bằng 1/4 tại quầy…

Nhờ đó, LiveBank có tốc độ phát triển thần tốc, gấp tới 50 lần tốc độ chi nhánh, dự kiến sẽ đạt 300 điểm vào năm 2020.

Một sản phẩm khác của TPBank cũng nhận được sự chú ý lớn của khách hàng chính là App tiết kiệm Savy. 

Dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại hàng đầu, đây là ứng dụng tiết kiệm đầu tiên tại Việt Nam cho phép gửi tiết kiệm từ mọi ngân hàng hoàn toàn miễn phí với khoản tiền chỉ từ 30 nghìn đồng.

Ông Nam cho biết, chỉ trong 6 tháng, ứng dụng này đã thu hút tới 350 nghìn khách hàng, gấp 100 lần chi nhánh và giúp ngân hàng huy động 150 tỷ đồng/tháng, gấp 6 lần chi nhánh thông thường.

Ngoài ra, một loạt các ứng dụng công nghệ khác cũng góp công lớn giúp giảm thiểu thời gian xử lý, gia tăng năng suất cho ngân hàng.

Như ứng dụng Chatbot có thể giúp giảm tải tới 30% cho Call Center, Voice Bio giảm 15% thời gian xử lý cuộc gọi hay ứng dụng OCR giảm tới 90% thời gian nhập dữ liệu.

Theo lãnh đạo TPBank, tới thời điểm hiện tại, trên 2/3 giao dịch của ngân hàng này đã được thực hiện trực tuyến qua đó tiết giảm một lượng lớn chi phí nhân sự, chi phí quản lý và tiết kiệm tối đa thời gian, tiền bạc cho khách hàng. 

Đặc biệt, nhờ triển khai tốt các dự án công nghệ số, TPBank được đánh giá là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới bán lẻ tốt nhất trong hệ thống, mặc dù số lượng chi nhánh còn khá khiêm tốn.

TPBank cũng trở thành một trong những ngân hàng thương mại nổi bật nhất tại Việt Nam những năm gần đây, với lợi nhuận liên tục tăng trưởng mạnh và hiệu quả hoạt động hàng đầu trong hệ thống. Một trong những lực đẩy chính cho kết quả này, như trên, là chiến lược phát triển nhanh và mạnh ngân hàng số.