2 yếu tố đầu vào cho giảm lãi vay đã “cạn kiệt”


2 yếu tố đầu vào cho giảm lãi vay đã “cạn kiệt”


SHB phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhất 8,6 - 8,9%/năm.

(ĐTCK) Lãnh đạo một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cho biết, Ngân hàng dự kiến giảm lãi vay với một số khách hàng ưu tiên sau khi kết quả kinh doanh quý I đạt kế quả tốt, nhưng sau đó phải dừng lại kế hoạch này.

Mức lãi suất huy động cao nhất thuộc về chứng chỉ tiền gửi. VietABank vừa qua phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất 9,1%/năm, trước đó SHB phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhất 8,6 - 8,9%/năm kỳ hạn từ 18, 24 và 36 tháng. Khách hàng càng gửi nhiều tiền và chọn hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến thì lãi suất càng cao. Bắt đầu từ kì hạn 6 tháng trở lên, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng lên tới 2-3%.

Lãi suất Nam A Bank với mức 8,7% cho kì hạn 36 tháng đối với tiền gửi tiết kiện trực tuyến. Viet Captial Bank và TPBank đều niêm yết mức 8,6% cho kì hạn dài nhưng với các điều kiện khác nhau. TPBank lãi suất 8,6% cho khách hàng gửi trên 100 tỷ đồng, 24 tháng và cam kết không rút trước hạn...

NHNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành và chỉ đạo TCTD rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính. Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay cơ bản tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, 9-11%/năm đối với trung, dài hạn.

Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, có đại biểu đề nghị NHNN tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đó cũng chính là mong muốn của NHNN, NHTM khi mà các nhà băng đều xác định rõ, mối quan hệ giữa ngân hàng và - hoạt động an toàn, hiệu quả.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng đầu năm nay, hưởng ứng lời hiệu triệu của Thống đốc NHNN ông Lê Minh Hưng, 4 NHTM Nhà nước lớn đã giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay cả ngắn, trung và dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Trong các chỉ đạo điều hành của mình, NHNN cũng thường xuyên yêu cầu các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính, chia sẻ với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để giảm tiếp lãi suất là điều vô cùng khó khăn, và nó không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các ngân hàng cho dù họ cũng rất muốn.

Về lý thuyết, muốn giảm lãi suất cho vay chỉ có 2 phương cách, đó là tiết giảm chi phí hoạt động để giảm tỷ lệ lãi cận biên (NIM) và giảm giá vốn đầu vào. Thế nhưng hiện NIM của các ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất sau khi mặt bằng lãi suất cho vay được kéo giảm nhanh hơn lãi suất huy động trong mấy năm gần đây nên khó có thể kéo giảm thêm.

Giới phân tích cho rằng, muốn giảm thêm lãi suất cho vay, giải pháp duy nhất là phải giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng cao như hiện nay thì đây là điều không khả thi.

Số liệu thống kê cho thấy, CPI tháng 5/2019 tăng tới 0,49% so với tháng trước, là mức tăng hàng tháng cao thứ hai kể từ tháng 10/2018 đến nay, chỉ thua mức tăng 0,8% của tháng 2/2019 là tháng Tết Nguyên đán. Đáng chú ý CPI bình quân tăng liên tục trong 5 tháng đầu năm, hiện tăng lên mức 2,74%.

Theo báo cáo vĩ mô tháng 5/2019 của BVSC, lãi suất liên ngân hàng trong tháng nhìn chung khá ổn định bất chấp xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang trở lại. Trong khi đó, lãi suất huy động tại các NHTM vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt là các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. BVSC đánh giá, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

Tuy nhiên, rủi ro đối với lạm phát trong thời gian tới có thể đến từ nhóm hàng thịt lợn khi nguồn cung đang suy giảm do dịch bệnh sẽ có tác động mạnh lên giá nhóm hàng này trong 2 - 3 quý tới. Ngoài ra, xu hướng tăng của lạm phát lõi cũng khá rõ ràng, không tạo điều kiện thuận lợi để NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ với quy mô lớn.

BVSC cho rằng, trong bối cảnh lạm phát đang nhích dần và những rủi ro đối với thị trường tài chính do xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang, mặt bằng lãi suất cho vay giữ ổn định là một điều tốt chứ khó có thêm giảm thêm.