Việt Nam sẽ có mô hình ngân hàng mới?
Nhiều khả năng mô hình ngân hàng trong ngân hàng sẽ có tại Việt Nam trên thực tế, gắn với trường hợp cụ thể, khi các bên đang tìm hiểu, tính toán và xem xét.
Theo đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng với Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian còn lại để đạt các mục tiêu không nhiều, điểm đến năm 2020 đã gần kề.
Trong gần hai năm còn lại, liệu hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam có chứng kiến những trường hợp, những đột phá về tái cơ cấu hay không?
Theo tìm hiểu của BizLIVE, hứa hẹn đột phá đang nằm ở khả năng xuất hiện một mô hình mới: mô hình ngân hàng trong ngân hàng.
Mô hình này được hiểu, một ngân hàng lớn mạnh bình thường sẽ nhận sáp nhập một ngân hàng có khó khăn cần tái cơ cấu, nhưng thay vì sáp nhập toàn bộ về mặt sổ sách và hệ thống thì họ sẽ được tách bạch, khoanh vùng rủi ro đối với ngân hàng cần tái cơ cấu với ngân hàng nhận sáp nhập.
Ở thực tiễn, vặn ngược thời gian những năm trước, nếu được áp dụng mô hình này, trường hợp Habubank sáp nhập vào SHB, Southern Bank sáp nhập vào Sacombank thì đến nay tình hình hoạt động có thể đã khác.
Ở hai trường hợp trên, Habubank và Southern Bank có tình hình tài chính khó khăn. Khi sáp nhập, cả hai đều ngay lập tức tạo níu kéo lớn đối với SHB và Sacombank về sau và cho đến nay.
Còn nếu áp dụng mô hình trên, ngân hàng SHB và Sacombank trước sáp nhập sẽ có những điều kiện độc lập hơn, thuận lợi hơn để tiếp tục duy trì, thúc đẩy đà hiệu quả sẵn có, từ đó có thêm nguồn lực để xử lý từng bước ngân hàng nhận sáp nhập một cách bền vững, chủ động hơn.
Tuy nhiên, giai đoạn đầu tái cơ cấu hệ thống, các cơ chế chính sách vẫn chưa hoàn thiện, chưa được xây dựng mới theo hướng tăng cường hỗ trợ.
Còn ở giai đoạn này, khi đề án 1058 nói trên đã đi được hơn nửa chặng đường về thời gian, tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam bắt đầu có khung pháp lý cho mô hình ngân hàng trong ngân hàng nói trên.
Cụ thể, Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng năm 2017 đã có nội dung quan trọng để định hình, dù không mở rộng về đối tượng, nhưng tạo điều kiện áp dụng cho những trường hợp tái cơ cấu cần thiết.
Theo đó, trong trường hợp ngân hàng khó khăn, được kiểm soát đặc biệt hoặc mua lại bắt buộc, nếu không thực hiện phương án tự phục hồi thành công sẽ thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, nếu có tổ chức tín dụng khác nhận chuyển giao, cơ chế tách bạch được quy định rõ.
Với trường hợp trên, mô hình ngân hàng trong ngân hàng thể hiện rõ khi ngân hàng nhận chuyển giao được quyền không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Họ cũng được loại trừ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; khoản vốn góp vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao; được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt…
Tại Việt Nam, hiện chưa có trường hợp nào được áp dụng mô hình và cơ chế trên, do luật mới ban hành.
Trong giai đoạn trước, việc thiếu các khung khổ pháp lý mới để tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ và thúc đẩy, cũng được xem là một trong những nguyên do khiến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có phần chậm lại.
Nhưng với Luật sửa đổi luật các tổ chức tín dụng nói trên, xác định mô hình mới đó, cùng các cơ chế hỗ trợ khác, tiến độ tái cơ cấu được kỳ vọng sẽ từng bước được thúc đẩy.
Trong đó, nhiều khả năng mô hình ngân hàng trong ngân hàng sẽ có tại Việt Nam trên thực tế, gắn với trường hợp cụ thể, khi các bên đang tìm hiểu, tính toán và xem xét…
Ở một diễn biến khác, thông tin một số nhà đầu tư nước ngoài lớn chính thức đề cập đến mong muốn tham gia đầu tư, tái cơ cấu tại CBBank, Ocean Bank công bố gần đây cũng hứa hẹn có thể đạt những tiến độ mới trong quá trình tái cơ cấu hệ thống.
Những năm trước, cũng có thời điểm một số nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia quá trình này nhưng chưa hoặc không đi đến đích. Nhưng nay, cũng như ở mô hình trên, khung khổ pháp lý đã có bước tiến mới để hỗ trợ và thúc đẩy.