Ngân hàng ưu đãi lĩnh vực kinh doanh có vốn FDI
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào 19 ngành, lĩnh vực. Trong đó tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực chế biến chế tạo với tổng vốn đăng ký đạt gần 10,5 tỷ USD; đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản với 1,1 tỷ USD; đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với 742,7 triệu USD...
Việc các DN FDI đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đi kèm theo đó nhu cầu đối với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại của khối này cũng gia tăng mạnh mẽ. Nắm bắt được điều đó, các TCTD Việt Nam hiện đã quan tâm nhiều hơn đối với nhóm khách hàng này.
Đơn cử như Sacombank đã cho ra đời nhiều sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của từng nhóm nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cụ thể như gói ưu đãi phí dành riêng cho nhóm DN Nhật Bản - Resona Bank; gói sản phẩm dành riêng cho nhóm DN vệ tinh của các tập đoàn như Samsung, LG… và nhiều gói sản phẩm dịch vụ khác dành cho DN FDI lần đầu tiên hợp tác cùng Sacombank.
Đồng thời, Sacombank còn kết hợp với đối tác Resona Bank (Nhật Bản) để thành lập Tổ phát triển kinh doanh khách hàng Nhật Bản (Japan desk) với đội ngũ nhân sự là người bản xứ nhằm mang lại sự gần gũi, hỗ trợ tư vấn hiệu quả các thủ tục, chính sách cho nhóm DN Nhật Bản đầu tư vào thị trường Việt Nam.
VietinBank cũng cho biết, đang có rất nhiều dịch vụ ưu đãi dành cho các DN FDI hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất thép, công nghiệp chế biến, chế tạo… Trong khi HDBank, hay Vietcombank cũng thành lập một dịch vụ chuyên biệt để phục vụ riêng cho các DN FDI.
Cụ thể, Vietcombank thành lập Bộ phận Phát triển khách hàng Nhật Bản có chức năng chuyên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chuyên biệt và tư vấn hỗ trợ dành riêng cho các khách hàng DN Nhật Bản đang hoặc sẽ hoạt động tại Việt Nam…
Có thể nói, nhằm tăng thêm sự hấp dẫn trong mắt khách hàng, phần lớn các ngân hàng đều đã chọn cách phát triển đội ngũ nhân viên đặc biệt hiểu được đa ngôn ngữ để phục vụ DN FDI tốt hơn.
Không chỉ dành một nguồn vốn đặc biệt để phục vụ cho đối tượng khách hàng này mà gần đây, các ngân hàng còn liên tục đẩy mạnh những chương trình ưu đãi nhằm tạo thuận lợi hơn cho các DN FDI kinh doanh tại Việt Nam như: Miễn/giảm nhiều hạng mục phí dịch vụ chuyển khoản trong và ngoài nước; Miễn các loại phí liên quan đến việc mở và duy trì tài khoản; Ưu đãi gói dịch vụ chi lương lên đến 1 năm…
Điều này có lẽ xuất phát từ chính nhu cầu của DN FDI, trong đó, đại diện một DN FDI tại TP.HCM nói rằng: “Điều mà các DN FDI đặc biệt quan tâm nhiều vẫn là các dịch vụ về chi lương của một số ngân hàng. Họ luôn cần một ngân hàng có hệ thống ATM tương đối lớn, mạng lưới giao dịch rộng rãi, mức phí sử dụng thẻ tương đối thấp, phù hợp với nhu cầu của DN”.
Nhìn chung, so với ngân hàng nước ngoài vốn có lợi thế về vốn, các ngân hàng trong nước hiện cũng không còn kém cạnh khi tham gia vào lĩnh vực cho vay DN FDI. Như đã nói ở trên, khối ngân hàng trong nước đang tập trung phát triển rất nhiều dịch vụ tài chính hấp dẫn để thu hút khối DN này.
Không chỉ vậy, nhiều ngân hàng còn nhấn mạnh rằng, họ có mạng lưới rộng khắp, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng được chuỗi cung ứng của DN FDI khi họ có nhu cầu về vốn cũng như các dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc các ngân hàng trong nước cung cấp dịch vụ tài chính tốt cho DN FDI cũng là một cơ hội tốt để khối DN trong nước có liên doanh liên kết với DN FDI cũng hưởng được nhiều lợi ích từ dịch vụ này…