Năm 2017, Sacombank dành 1,000 tỷ đồng tham gia Bình ổn thị trường

Từ năm 2013, UBND TP.HCM đã đổi mới Chương trình Bình ổn thị trường bằng việc kêu gọi các ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng trên địa bàn cùng tham gia để huy động nguồn vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) bình ổn. Nếu trước đây, vốn cho các DN để dự trữ hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đầu tư trong năm được lấy từ ngân sách Nhà nước với lãi suất 0%, thì nay DN được vay vốn từ các NH với lãi suất ưu đãi để tăng gia sản xuất nhằm đưa ra các sản phẩm có chất lượng cao với giá thành phải chăng, giúp thị trường bình ổn hơn. Sự đổi mới này đã mang lại hiệu quả tích cực khi kết quả hàng năm cho thấy việc hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi đã giúp các DN sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao với giá thành, phù hợp với nhu cầu và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người tiêu dùng trong nước. Hiểu rõ tính trọng yếu của Chương trình nên Sacombank đã tham gia tích cực liên tiếp 5 năm qua với tổng nguồn vốn dành cho gia đình lên đến 5,500 tỷ đồng.

Năm 2017, Sacombank dành 1,000 tỷ đồng tham gia Bình ổn thị trường

Sacombank triển khai các gói giải pháp tài trợ vốn khép kín từ Nhà cung ứng - Nhà sản xuất hàng bình ổn - Nhà phân phối hàng bình ổn - Người tiêu dùng

Riêng năm 2017, Sacombank dành 1,000 tỷ đồng để tham gia Chương trình Bình ổn thị trường với lãi suất ngắn hạn 6.9%/năm và lãi suất trung dài hạn 9%/năm. Đồng thời, Sacombank cũng triển khai các gói giải pháp tài trợ vốn khép kín từ Nhà cung ứng - Nhà sản xuất hàng bình ổn - Nhà phân phối hàng bình ổn - Người tiêu dùng. Theo đó, Nhà phân phối hàng bình ổn có thể tiếp cận nguồn vốn vay nhanh và kịp thời của Sacombank với mức lãi suất thấp nhất so với các nguồn vốn ưu đãi mà Sacombank đã triển khai, cụ thể lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 3-4% và lãi suất trung dài hạn giảm từ 2-3% so với mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường. Qua đó, giúp các DN chủ động được nguồn vốn kinh doanh, tiết kiệm chi phí và thời gian giao dịch, tăng doanh số bán hàng với chi phí thấp, chủ động kế hoạch tài chính, giảm chi phí quản lý các khoản phải thu và hơn hết là chia sẻ được rủi ro thanh toán với Ngân hàng.

Sacombank đã đồng hành cùng một số DN tài trợ theo Chương trình này trong thời gian qua như: Công ty TNHH Ba Huân, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Công ty CP Thực phẩm TP II, Công ty TNHH SX Hưng Việt, Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood...

Ngoài hiệu quả mang lại là góp phần cùng cơ quan ban ngành hỗ trợ việc cung ứng đủ và ổn định 9 nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, giúp ổn định giá của các loại hàng này thấp hơn thị trường từ 5-10%, Chương trình cũng là cầu nối giúp NH tìm kiếm thêm được khách hàng uy tín, còn DN yên tâm trong nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, DN và NH được NHNN và Sở Công thương hỗ trợ cơ chế gia tăng uy tín với thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Bên cạnh chương trình Bình ổn thị trường, Sacombank còn tham gia nhiều chương trình khác hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho DN. Tiêu biểu là chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp thực hiện theo chủ trương của NHNN.

Sacombank đã cùng các NH bạn tiến hành ký kết với hàng ngàn doanh nghiệp/cá nhân/hộ kinh doanh/hợp tác xã tại 24 quận huyện trên địa bàn TP.HCM và bắt đầu mở rộng ra các tỉnh thành khác trên cả nước. Trong đó, Sacombank đã ký kết hỗ trợ nguồn vốn lên đến 15,300 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi tối đa 7%/năm nhằm đồng hành, chia sẻ khó khăn với các DN, hỗ trợ nguồn vốn lãi suất thấp để các DN có điều kiện phát triển, mở rộng kinh doanh.

Như vậy, trong năm 2017 này, Sacombank dành tổng cộng gần 12,000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi các DN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn quốc. Trong đó gồm có 3,000 tỷ đồng của chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp với lãi suất 6.9%/năm cho vay ngắn hạn và 9%/năm cho vay trung, dài hạn đối với DN vừa và nhỏ, DN trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp nông thôn tại 24 quận huyện trên địa bàn TP.HCM.

Có thể nói, với những hành động cụ thể và tích cực hỗ trợ DN, các NH đã góp phần tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam thông qua việc tạo nguồn vốn ổn định thị trường, giá cả, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là một trong những hoạt động hiệu quả cần được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan ban ngành nhằm đưa NH và DN đến gần nhau hơn.

Theo Vietstock