Vì sao Thủ tướng yêu cầu không triển khai gói bảo hiểm Covid-19?
Trước đó, hàng loạt công ty bảo hiểm đã tung ra các gói bảo hiểm cho người mắc Covid-19 với phí dịch vụ khá thấp, chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng/khách hàng tuỳ theo thời hạn bảo hiểm.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 chiều ngày 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với đề xuất của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 là yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu, hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19.
Theo đó, tùy từng gói của từng doanh nghiệp, khách hàng có thể được hỗ trợ ngay khi xác định nhiễm Covid-19, được hỗ trợ chi phí nằm viện điều trị do nhiễm Covid-19 và được chi trả từ 100 đến 300 triệu đồng trong trường hợp tử vong do Covid-19.
Vừa qua, một số ngân hàng và doanh nghiệp cũng đã triển khai chính sách tặng các gói bảo hiểm Covid-19 cho khách hàng, cán bộ nhân viên của mình. Tuy nhiên, ngày 31/3, sau yêu cầu trên của Thủ tướng, một số ngân hàng cho biết đã lập tức ngừng triển khai.
Về các sản phẩm bảo hiểm bệnh dịch Covid-19 cũng như định hướng của Thủ tướng, ông Lâm Minh Chánh, chuyên gia tài chính, Nhà sáng lập Trường Kinh doanh BizUni có những phân tích và lý giải đáng chú ý. BizLIVE xin giới thiệu góc nhìn của chuyên gia này.
Công ty bảo hiểm được miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra sự kiện bất khả kháng
Bảo hiểm được tạo ra để con người có thể bù đắp hỗ trợ lẫn nhau khi rủi ro xảy ra. Lấy một ví dụ dễ hiểu: Theo thống kê, thì trong năm sẽ có 3 trong số 1.000 người chết. Thay vì ngồi chờ sự rủi ro xảy ra, thay vì cầu trời mình không phải là 1 trong 3 người đó, 1.000 người này chủ động bảo vệ trước rủi ro bằng cách mỗi người đóng vào quỹ chung 1 đồng, sẽ được tất cả là 1.000 đồng.
Khi rủi ro tử vong xảy ra với 3 người nào đó, thì 1.000 đồng này sẽ được chia đều cho gia đình của 3 người này. Mỗi gia đình của họ sẽ được nhận 333 đồng.
Như vậy 1 đồng đã được bỏ ra để mua sự an tâm. Nếu rủi ro xảy ra thì gia đình được 333 đồng, để qua cơn khó khăn vì mất người lao động chính.
Thay vì 1.000 người tự nguyện hợp tác với nhau để chia sẻ rủi ro như vậy, thì công ty bảo hiểm sẽ thực hiện việc thu mỗi người 1 đồng hàng năm và thực hiện việc đền bù này. Đương nhiên công ty bảo hiểm phải trích từ quỹ chung này 1 phần tiền cho chi phí và lợi nhuận của họ.
Công ty bảo hiểm phải thẩm định tuổi, sức khoẻ, hoàn cảnh sống của những người tham gia bảo hiểm để đảm bảo rằng họ có cùng mức rủi ro.
Trong ví dụ trên, nếu trong 1.000 người đó, có người cao tuổi hơn, hoặc có sẵn các loại bệnh nguy hiểm... tức là tỷ lệ tử vong không phải ở mức 3/1.000, mà là 4/1.000, 5/1.000 hoặc 6/1.000 thì họ phải được đưa vào nhóm 1.000 người khác, có tỷ lệ tử vong và mức phí cao hơn tương ứng.
Tuy nhiên, nếu xảy ra các sự kiện bất khả kháng như thảm họa, chiến tranh, khủng bố, đại dịch,… thì con số thống kê 3 người tử vong trên 1000 người trong ví dụ trên không còn đúng nữa.
Khi xảy ra những sự kiện này thì con số tử vong có thể lên đến 30 hay 300 hay 600 người… Công ty bảo hiểm cũng không thể nào đền bù nổi. Lấy 333 đồng nhân cho 100 người thì họ phá sản ngay.
Vì thế theo nguyên tắc, và cũng là thông lệ được áp dụng tại hầu hết các nước: các công ty bảo hiểm được miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra những sự kiện lớn này.
WHO đã tuyên bố bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Chính phủ Việt Nam cũng sắp tuyên bố đó là dịch toàn quốc . Như vậy những rủi ro do Covid-19 sẽ được xem là “Loại trừ bảo hiểm”.
Khi đó các công ty bảo hiểm đã thu phí sản phẩm liên quan đến Covid-19 hoàn toàn có quyền từ chối bồi thường đối với các tử vong, tai nạn, hậu quả do Covid-19 gây ra.
Theo tôi, đây chính là nguyên nhân mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các công ty bảo hiểm ngừng bán các sản phẩm liên quan đến Covid-19.
Nhân đạo, sáng tạo hay tình huống có thể trục lợi?
Tôi thấy rất khó lý giải về việc các công ty bảo hiểm nhanh nhạy, “sáng tạo” khi tung gói sản phẩm liên quan đến Covid-19.
Theo nguyên tắc về bảo hiểm, các công ty bảo hiểm chỉ có thể thiết kế sản phẩm bảo hiểm khi biết rõ thống kê về rủi ro xảy ra. Ví dụ 1000 người ở bên trên: Không biết ai trong 1000 người sẽ chết trong năm đó. Nhưng thống kê theo thời gian và theo số lớn cho biết có 3 người chết vì già, vì bệnh, vì tai nạn. Có số này thì công ty bảo hiểm mới thiết kế sản phẩm “đúng”.
Không có số thống kê, thì sản phẩm bảo hiểm trở thành sản phẩm cá cược, hên xui may rủi, mà chủ “sòng” là công ty bảo hiểm.
Covid-19 là một loại dịch bệnh nguy hiểm. Chúng ta thấy hậu quả của nó tại Trung quốc, và sau nay là toàn thế giới. Nhưng chúng ta chưa thể có con số thống kê xác đáng để biết tỷ lệ rủi ro về dương tính, tỷ lệ rủi ro về tử vong do nó gây ra.
Không có số thống kê, mà các công ty bảo hiểm này vẫn tung ra gói sản phẩm Covid-19 thì hoặc là họ rất nhân đạo, thương yêu khách hàng, hoặc là họ rất sáng tạo, dùng “cô Vi” làm Marketing, hoặc là họ có máu liều, cá cược - nếu ít rủi ro xảy ra vì Covid-19 thì họ lời, nếu nhiều rủi ro xảy ra vì Covid-19 thì họ lỗ.
Hoặc họ cũng dễ bị xem là trục lợi. Vì nếu Covid-19 được xem là thảm họa/loại trừ bảo hiểm, thì họ lời to!
Có thể đó là nguyên nhân mà Thủ Tướng Chính phủ ra lệnh ngừng bán sản phẩm liên quan đến Covid-19.
Ngoài ra, còn có một nguyên nhân nữa có thể lý giải cho việc ngừng này, đó là không loại trừ tâm lý trục lợi của một số khách hàng. Họ có thể cố tình bị nhiễm bệnh để được đền bù. Hành vi này không chỉ vi phạm điều khoản hợp đồng, trái với luật bảo hiểm, mà còn là một hành vi nguy hiểm đối với cộng đồng, xã hội trong giai đoạn gian nan chống Covid-19