Độc chiêu mùa dịch, tiết kiệm hàng triệu nhờ mẹo tiêu tiền mới
Mỗi lần thanh toán được giảm 10%, nhiều người dùng có thể tiết kiệm hàng triệu đồng mỗi tháng nhờ biết cách sử dụng các ví điện tử.
Đi chợ không tiền mặt
Vừa mua hết hơn 500.000 đồng nhiều sản phẩm tiêu dùng tại một cửa hàng đồ Nhật, chị Nguyễn Ngọc Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) chọn ngay hình thức quét mã QR code trên điện thoại di động để thanh toán. Với mỗi hoá đơn, chị được giảm tối đa 10%, tương đương 50.000 đồng. Hơn 1 tháng nay, số tiền chị tiết kiệm cũng lên tới hàng trăm nghìn đồng nhờ cách thanh toán mới mẻ này.
Theo chị Mai, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thanh toán không tiền mặt được các cửa hàng, siêu thị khuyến khích người mua hàng sử dụng. Người tiêu dùng cũng bắt đầu quen với việc giơ điện thoại để quẹt thanh toán thông qua các ví điện tử bởi sự tiện lợi cũng như ưu đãi từ đơn vị bán hàng.
“Từ ngày biết đến lợi ích của ví điện tử, mình luôn cài 3-4 ví trong điện thoại để tiện khi thanh toán. Vừa tiện lợi khi không phải mang tiền mặt, lại vừa được ưu đãi hấp dẫn. Việc không sử dụng tiền mặt sẽ hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh”, chị cho hay.
Nở rộ thanh toán không tiền mặt |
Chị Nguyễn Thuý Ngân (KĐT Linh Đàm, Hà Nội) cho hay, từ khi cài ví điện tử, chị sử dụng các dịch vụ thanh toán qua ví ngày càng nhiều, như mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn; nạp thẻ cào điện thoại, đóng tiền điện, điện thoại cà thẻ qua POS đóng học phí cho con,...
Công nghệ này còn có ý nghĩa đặc biệt trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra. Thanh toán không tiếp xúc sẽ làm giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm virus thông qua vật trung gian như tiền mặt, thậm chí thẻ ngân hàng.
“Dịch bệnh như hiện nay ai cũng tránh xếp hàng để thanh toán hoá đơn, sử dụng ứng dụng là giải pháp hạn chế đi ra ngoài, vừa nhanh chóng vừa đảm bảo an toàn. Chỉ cần dùng điện thoại quét trong vài giây là có thể thanh toán thành công tại các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng,... tôi không phải cầm tiền mặt nữa”, chị chia sẻ.
Một số bạn bè của chị Ngân cũng là nhân viên văn phòng lứa tuổi 25-35 đang dùng ví điện tử như Momo, VPPT pay, Airpay,... để chi tiêu tại các quán cà phê, nhà hàng, giao thông đi lại, xem phim, đặt phòng du lịch, mua hàng online,... “Họ khoe dùng ví điện tử có nhiều cơ hội mua được dịch vụ giá rẻ, ưu đãi hoặc khuyến mãi, nhiều khi giá chỉ còn 10% so với mua bằng tiền mặt”, chị nói thêm.
Thậm chí, nhiều người có thói quen chi tiêu tiết kiệm hơn bởi chỉ cần nạp một số tiền nhất định vào ví để chi tiêu khi cần thiết. Ngoài ra, ví điện tử còn có chức năng quản lý chi tiêu, giúp người dùng theo dõi mức chi tiêu từng tháng để điều chỉnh hợp lý.
Cuộc đua chăm sóc người dùng
Việc sử dụng ví điện tử giúp khách hàng hạn chế tiếp xúc trực tiếp với tiền mặt, hoá đơn,... giữa mùa dịch Covid-19. Để khuyến khích người dùng, các ví điện tử đã liên kết với siêu thị, nhà hàng, khách sạn, shop thời trang,... để tung ra hàng chục ưu đãi mỗi ngày. Khách hàng có thể nhận ưu đãi từ 30-50% khi mua sắm qua các ví điện tử.
Chị Phạm Thu Hải, đại diện Bếp Ông ngoại cho hay, thời gian gần đây cửa hàng đẩy mạnh thanh toán trực tuyến và qua ứng dụng ví điện tử. “Tôi cho rằng thanh toán online khá văn minh và có nhiều lợi ích”, chị cho hay.
Đại diện VNPT Pay nhận xét, không chỉ giúp thanh toán các dịch vụ viễn thông, ứng dụng còn được sử dụng để trả hóa đơn điện, nước, cước viễn thông, mua vé tàu xe, vé xem phim, đặt phòng khách sạn, thanh toán học phí,... Khách hàng có thể đặt thanh toán tự động cho các hóa đơn cơ bản hàng tháng, không lo lỡ kỳ cước, quản lý chi tiêu đơn giản và tiện lợi.
Ví điện tử nở rộ thu hút người dùng |
Một năm trước, khi Samsung đưa ứng dụng Samsung Pay vào Việt Nam thông qua thế hệ điện thoại mới của hãng, người tiêu dùng Việt hết sức ngạc nhiên với hình thức thanh toán một chạm nên tò mò dùng thử.
Đến nay, lĩnh vực này đang thực sự bùng nổ với hàng chục ứng dụng. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các đơn vị trung gian thanh toán điện tử, tạo nên sự cạnh tranh cao cho sân chơi này.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, có khoảng 30 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam như Napas, Momo, Airpay, Payoo, VNPT Pay, Mobi Vi, Bảo Kim, Vimo, Moca, Ngân lượng, Viettel Pay, Zalo Pay,... Người dùng nạp tiền vào ví hoặc kết nối ví với thẻ ngân hàng để thanh toán các sản phẩm, dịch vụ.
Các công ty phát triển ví điện tử cho rằng, khi điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam đi lên, và các thành phần trong hệ sinh thái thanh toán dần hoàn chỉnh (ngân hàng, các công ty fintech,... ), thì thanh toán di động (mobile payment) cũng sẽ phát triển mạnh mẽ.
Công nghệ Big data kết hợp AI nhằm phân tích, đánh giá và giúp ngăn chặn tự động, kịp thời các giao dich có dấu hiệu lừa đảo, gian lận tài chính (Fraud Detection). Từ đó giảm thiểu các gian lận, rủi ro trong thanh toán cho khách hàng.
Bên cạnh đó, công nghệ thanh toán không tiếp xúc như QR Code, NFC, Sonic giúp cho thao tác thanh toán của khách hàng trở nên dễ dàng nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn và bảo mật. Công nghệ này còn có ý nghĩa đặc biệt trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra. Thanh toán không tiếp xúc sẽ làm giảm tối đa nguy cơ bị lây nhiễm virus thông qua vật trung gian như tiền mặt hoặc thậm chí thẻ ngân hàng.
Kết quả Khảo sát Tiêu dùng toàn cầu năm 2019, do PwC công bố gần đây, chỉ ra rằng tại các nền kinh tế mới nổi, thanh toán di động ở các cửa hàng đang tăng lên. Trong đó, Việt Nam chứng kiến mức tăng lớn nhất, đạt tới 61% trong một năm qua, tiếp theo là Trung Đông với 45%, trên mức tăng tổng thể toàn cầu là 24% năm qua.
Mặc dù niềm tin đối với thanh toán không dùng tiền mặt chưa đạt tuyệt đối và nền tảng thương mại điện tử còn non trẻ ở Việt Nam, nhưng với mục tiêu giảm giao dịch bằng tiền mặt, đưa tỷ lệ 90% về 10% vào năm 2020, thị trường trong nước đã tạo ra một làn sóng mới về cuộc đua phát hành thẻ tín dụng, ví điện tử