Nhận hoàn tiền khi chi tiêu qua thẻ
Với nền tảng công nghệ, nhiều ngân hàng chủ động “may đo” sản phẩm dịch vụ tài chính theo nhu cầu của khách hàng. Trong đó, dịch vụ hoàn tiền khi sử dụng chi tiêu qua thẻ được xem là sản phẩm vô cùng tối ưu.
Ngay từ đầu năm mới, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) triển khai chương trình “Khai tiệc đầu xuân cùng thẻ tín dụng Nam A Bank”. Theo đó, khách hàng sẽ được hoàn 30% (tối đa 300.000 đồng) cho mọi chi tiêu ẩm thực tại nhà hàng, quán ăn, cà phê… với giá trị giao dịch từ 600.000 đồng trở lên.
Điều đặt biệt của chương trình này là ưu đãi áp dụng từ 11h00 Thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần và vào những ngày đặc biệt như Quốc tế phụ nữ 8/3 sắp tới. Qua đó, Nam A Bank mong muốn tạo điều kiện để khách hàng có thêm thời gian tận hưởng cuộc sống với những bữa tiệc đầu năm vui vẻ bên gia đình và bạn bè. Số tiền sẽ được hoàn trực tiếp vào tài khoản thẻ tín dụng quốc tế Nam A Bank của khách hàng.
Sử dụng thẻ để chi tiêu, không những được hoàn tiền bù đắp chi phí mà đây còn được xem là một hình thức quản lý tài chính cá nhân rất hợp thời |
Cùng chương trình, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang triển khai khuyến mãi “Thanh toán ngay – Hoàn tiền mê say” với tổng giá trị hoàn tiền lên đến hơn 600 triệu đồng dành cho khách hàng cá nhân mua vé máy bay, vé tàu bằng ứng dụng Sacombank mBanking và đăng ký mới dịch vụ Ủy thác thanh toán hóa đơn điện tự động. Theo đó, khách hàng cá nhân đăng ký dịch vụ Ủy thác thanh toán hóa đơn điện tự động và có giao dịch thanh toán thành công trong thời gian khuyến mãi sẽ được hoàn 50% giá trị hóa đơn (tối đa 50.000 đồng). Mỗi hợp đồng được hoàn tiền 1 lần và mỗi khách hàng sẽ được hoàn tiền tối đa 10 hợp đồng. Bên cạnh đó, khi mua vé máy bay, vé tàu thành công qua ứng dụng Sacombank mBanking trong thời gian khuyến mãi khách hàng sẽ được hoàn 50% giá trị vé (tối đa 200.000 đồng). Mỗi khách hàng được hoàn tiền 1 lần khi mua vé máy bay và 1 lần cho mua vé tàu…
Thực ra, việc dùng chương trình hoàn tiền cho khách hàng khi giao dịch qua thẻ của ngân hàng là không mới. Có điều, ở thời điểm hiện tại, các ứng dụng quản lý tài chính này khá thiết thực và hữu ích cho người tiêu dùng, nếu họ biết cách tận dụng. Nói như vậy vì hiện nay, chi phí các mặt hàng đang được điều chỉnh tăng khá rõ rệt. Việc chi tiêu của mỗi gia đình cũng bị tăng lên theo từ sau thời điểm Tết Nguyên Đán 2020. Trong khi chưa có nguồn nào bù đắp vào khoản chênh lệch tăng lên đó thì người tiêu dùng nên tận dụng dịch vụ chi tiêu hoàn tiền mà ngân hàng triển khai. Bởi số tiền hoàn hiện nay sẽ được chuyển vào tài khoản hoặc thẻ mà khách hàng dùng để thực hiện giao dịch thay vì tính theo điểm cộng dồn sau như trước đây.
Hơn nữa, khi sử dụng thẻ để chi tiêu, người tiêu dùng không những được hoàn tiền bù đắp chi phí mà đây còn được xem là một hình thức quản lý tài chính cá nhân rất hợp thời.
Đơn cử như trường hợp chị Vũ Xuân Hoa Mỹ (Bình Dương) chia sẻ, chị đã rất ưng ý với các ứng dụng online banking sau khi sử dụng dịch vụ này được 1 tháng. Cái lợi lớn nhất chị cảm nhận được đó là ứng dụng quản lý tài chính giúp chị quản lý và thực hiện các giao dịch tài chính với ngân hàng mọi lúc mọi nơi từ các giao dịch ngân hàng thiết yếu như: chuyển tiền, thanh toán, nạp tiền, tiền gửi, tiền vay… đến các dịch vụ thương mại điện tử như mua vé lữ hành, đặt khách sạn, mua vé xem phim, và trải nghiệm công nghệ thanh toán hiện đại bằng mã QR… Đặc biệt tất cả các giao dịch trực tuyến đều được xác thực trên nền tảng công nghệ cao, nâng cao an toàn bảo mật thông tin và trải nghiệm của người dùng.
Có thể nói xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang bùng nổ tại các quốc gia phát triển, trong đó có Việt Nam. Số lượng khách hàng giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử (Open Banking, Mobile Banking, Internet Banking…) ngày càng tăng mạnh. Nổi bật là việc chi tiêu qua thẻ tín dụng bởi những tiện ích mang lại như: chi tiêu trước, trả tiền sau, an toàn bảo mật, tiết kiệm thời gian, đặc biệt chủ thẻ còn được hưởng hàng loạt ưu đãi hấp dẫn.
Do vậy, dù có khuyến mãi hay không, thiết nghĩ mỗi một người tiêu dùng trẻ trong cả nước nên làm quen với loại hình dịch vụ tài chính này. Để không chỉ tiết kiệm được chi phí tiêu dùng mà phải từng bước hòa nhập vào nền tảng công nghệ tài chính mới cả thế giới đang hướng đến. Không chỉ vậy, nếu để ý người tiêu dùng có thể nhận thấy qua từng năm, với mục tiêu kích cầu chi tiêu qua thẻ tín dụng, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, trên nền tảng công nghệ 4.0, phần lớn các ngân hàng đều đang từng bước tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ điện tử, loại dần các sản phẩm tài chính truyền thống.
Tất cả những điều này ngân hàng muốn hướng tới mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng tiên phong cung cấp những dịch vụ ngân hàng điện tử và dịch vụ thẻ hiện đại nhằm mang đến khách hàng nhiều tiện ích cùng các ưu đãi cộng thêm hấp dẫn khi thanh toán mà không cần phải sử dụng tiền mặt. Đồng thời, nó cũng ngầm thông báo với khách hàng rằng: “nếu không cập nhật áp dụng cái mới, khách hàng sẽ mất đi quyền lợi. Và đến một lúc nào đó, khách hàng sẽ cảm thấy bất lợi nếu chỉ có tiền mặt trong tay”.
Quả vậy, khi chia sẻ về các dịch vụ điện tử, một lãnh đạo ngân hàng khẳng định, mảng kinh doanh thẻ nói chung và thẻ tín dụng nói riêng được xem là mảng kinh doanh chiến lược, nhằm hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng thương mại bán lẻ chuẩn mực hàng đầu Việt Nam. Do đó, mỗi một ngân hàng đều liên tục triển khai loạt ưu đãi cho các chủ thẻ như: hoàn tiền, ưu đãi mua sắm, xem phim, giftcard… để kích cầu chi tiêu, mang đến lợi ích kép cho khách hàng và ngân hàng. Điều này cho thấy, khách hàng cần nhanh chóng cập nhật thêm hình thức chi tiêu thay vì chỉ sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, người dùng cần nắm bắt kịp thời các chương trình khuyến mãi mà ngân hàng triển khai trên thẻ tín dụng để hưởng lợi ích tối ưu ở tương lai…