“Thanh khoản ngoại tệ của ngân hàng vẫn an toàn”
Ngày 9/7, Ngân hàng Nhà nước công bố một bài viết của tác giả Nguyễn Hữu
Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) với
nhiều thông tin chi tiết liên quan đến thị trường ngoại hối, tình hình
thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng… Bài viết được công bố sau
khi tỷ giá USD/VND vừa có những biến động mạnh. VnEconomy xin chuyển tải
một số nội dung chính của bài viết này tới bạn đọc.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng vẫn bảo đảm an toàn, có khả năng đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ đến hạn và thỏa mãn hầu hết các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế. Do đó, người dân và doanh nghiệp cần hết sức thận trọng với các thông tin bất đối xứng hoặc lời đồn đoán thiếu căn cứ để không phải gánh chịu rủi ro tỷ giá không đáng có…
Từ ngày 23/6 đến ngày 2/7/2010, tỷ giá bán USD/VND trên thị trường tự do tăng từ 18.890 VND/USD lên 19.140 VND/USD, tỷ giá bán USD/VND của ngân hàng thương mại niêm yết tăng từ 18.990 VND/USD lên mức kịch trần 19.100 VND/USD. Diễn biến này có thực sự là do sự dịch chuyển bất lợi tổng cung, tổng cầu ngoại tệ của nền kinh tế hay không?
Diễn biến của cán cân thanh toán quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2010 (đơn vị: triệu USD, nguồn: Ngân hàng Nhà nước) | |||
Quý 1/2010 | Ước quý 2/2010 | Ước 6 tháng đầu năm 2010 | |
I. Cán cân vãng lai | -1.892 | -1.678 | -3.570 |
1. Cán cân thương mại (xuất khẩu FOB-nhập khẩu FOB) | -2.239 | -1.963 | -4.202 |
2. Chuyển tiền một chiều (ròng) | 2.051 | 1.828 | 3.879 |
II. Cán cân vốn và tài chính | 3.686 |
3.319 | 7.005 |
1. Đầu tư trực tiếp (ròng) | 1.670 | 2.035 | 3.705 |
2. Vay nước ngoài (ròng) | 898 | 702 | 1.600 |
3. Đầu tư gián tiếp (ròng) | 1.290 | 510 | 1.800 |
III. Tổng cán cân vãng lai và cán cân vốn và tài chính | 1.794 | 1.641 | 3.435 |
Chúng ta cùng nhau xem xét luồng chu chuyển ngoại tệ của nền kinh tế qua diễn biến của cán cân thanh toán quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2010.
Mặc dù cán cân vãng lai vẫn thâm hụt trong quý 1, 2/2010 do chủ yếu là thâm hụt thương mại lớn, nhưng thặng dư cán cân vốn luôn thừa để bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai (tức là tổng thu ngoại tệ lớn hơn các tổng chi ngoại tệ của nền kinh tế). Đối với Việt Nam, thâm hụt cán cân vãng lai là vấn đề thâm niên.
Trong thời gian qua, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam giữ được ổn định và không bị tổn thương là do cán cân vốn và tài chính luôn thặng dư và trở thành nguồn bù đắp chủ yếu cho thâm hụt cán cân vãng lai; luồng vốn vào chủ yếu là luồng vốn dài hạn, ổn định. Trong tổng thu giao dịch vốn, thu FDI giải ngân chiếm 29,9% (quý 1/2010) và 41,4% (quý 2/2010); rút vốn vay trung, dài hạn chiếm 18,3% (quý 1/2010) và 19,6% (quý 2/2010).
Theo đà phục hồi của nền kinh tế (GDP quý 1/2010 tăng 5,83% và quý 2/2010 tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2009), các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế (giao dịch giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới) đều liên tục được cải thiện. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2010 cán cân thanh toán quốc tế tổng thể được cải thiện qua các tháng (thặng dư trong tháng 4/2010), đồng thời Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng ngoại tệ đáng kể trong quý 2/2010 để tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại tệ nhà nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2010, cán cân vãng lai thâm hụt 3,6 tỷ USD nhưng cán cân vốn thặng dư khoảng 7 tỷ USD.
Đối với cán cân vãng lai, quý 1/2010 thâm hụt 1,9 tỷ USD nhưng đến quý 2/2010 chỉ thâm hụt gần 1,7 tỷ USD do thâm hụt thương mại giảm từ 2,2 tỷ USD xuống khoảng 2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý 1/2010 tăng 1,6% và quý 2/2010 tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2009. Xuất khẩu hàng hóa quý 2/2010 tăng rất cao (22,2%) so với quý 1/2010.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2009 (cao hơn nhiều mục tiêu tăng trưởng 6% của cả năm). Nếu loại trừ tái xuất vàng, thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2010 tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2010.
Chuyển tiền một chiều ròng quý 1/2010 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 32,5% và quý 2/2010 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 15,8% so cùng kỳ năm 2009. Tính chung 6 tháng đầu năm 2010, chuyển tiền một chiều ròng đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng 24% so cùng kỳ năm 2009. Chuyển tiền kiều hối 6 tháng đầu năm 2010 đạt khá, ước đạt 3,6 - 3,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm 2009.
Đặc biệt, quý 2/2010 mặc dù không phải là “mùa kiều hối” nhưng lượng kiều hối về vẫn duy trì được ở mức khá cao (bình quân 500 - 600 triệu USD/tháng).
Luồng vốn FDI (ròng) tiếp tục đổ vào Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế tốt đẹp và môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam, trong đó có sự ổn định tỷ giá USD/VND. Quý 1/2010, FDI ròng thặng dư 1,67 tỷ USD, giảm 4,8% nhưng đến quý 2/2010 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2009. Quý 2/2010, vốn FDI thực hiện đạt 2,9 tỷ USD, trong đó phần vốn thực hiện của nhà đầu tư nước ngoài là 2,35 tỷ USD, tăng 21,3% so cùng kỳ năm 2009 và 18,7% so với quý 1/2010.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2010, vốn FDI đăng ký đạt 8,4 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký của các dự án cấp phép mới đạt 7,9 tỷ USD, tăng 43% về vốn. Vốn FDI thực hiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 5,9% so cùng kỳ năm 2009, trong đó phần vốn thực hiện do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 4,33 tỷ USD, tăng 14% so cùng kỳ năm 2009.
Như vậy, chỉ tính riêng thặng dư của chuyền tiền một chiều và thặng dư vốn FDI đủ bù đắp cho nhập siêu trong quý 1, 2 và cả 2 quý đầu năm 2010, từ đó giảm thiểu áp lực đến cung, cầu ngoại tệ trên thị trường.
Luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) tiếp tục duy trì xu hướng thặng dư. Trong quý 2/2010, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên thị trường chứng khoán khoảng 500 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2010, vốn FII ròng đạt mức thặng dư 1,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2009 vẫn còn thâm hụt 492 triệu USD). Vốn FII thặng dư lớn là do đầu năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế (theo phương pháp luận thống kê cán cân thanh toán quốc tế giao dịch này phải được thống kê vào hạng mục FII thay vì vay nợ của Chính phủ).
Nếu loại trừ phát hành trái phiếu của Chính phủ thì trong 6 tháng đầu năm 2010 các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 800 triệu USD (bao gồm cả thị trường OTC), trong đó quý 1/2010 là 290 triệu USD.
Vay nước ngoài cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm 2009 nhờ chủ yếu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh việc hoàn tất đàm phán, ký kết và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các khoản vay ODA (trung, dài hạn) theo các chương trình, dự án đã cam kết. Vốn ODA giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2010 ước đạt 1,41 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2009. Tính chung 6 tháng đầu năm 2010, vay nước ngoài ròng ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 150% so cùng kỳ năm 2010.
Với diễn biến thu, chi ngoại tệ của nền kinh tế qua các hạng mục chính của cán cân thanh toán quốc tế có thể thấy rằng tổng cung, tổng cầu ngoại tệ của nền kinh tế trong quý 2/2010 và 6 tháng đầu năm 2010 vẫn trong trạng thái ổn định, tích cực.
Sau khi đã bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai, thặng dư cán cân vốn của Việt Nam vẫn thừa 1,64 tỷ USD trong quý 2/2010 và 1,8 tỷ USD trong quý 1/2010. Vì vậy, tỷ giá USD/VND tăng trong mấy ngày qua không phải xuất phát từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và biến động bất lợi tổng cung, tổng cầu ngoại tệ của nền kinh tế.
Về triển vọng thị trường 6 tháng cuối năm 2010, lãi suất ngoại tệ trong nước về cơ bản biến động phù hợp với lãi suất trên thị trường quốc tế và cung, cầu vốn trên thị trường trong nước, đồng thời không có khả năng tăng mạnh do mặt bằng lãi suất trên thị trường quốc tế có xu hướng ổn định và ở mức thấp nhờ ngân hàng trung ương của hầu hết các nền kinh tế chủ chốt chưa thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, thị trường tiền tệ trong nước đã liên thông với thị trường tiền tệ quốc tế, sự chênh lệch quá mức lãi suất ngoại tệ giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế sẽ được trung hoà bởi sự dịch chuyển vốn (tiền gửi, tiền vay) giữa các ngân hàng Việt Nam với người không cư trú, đặc biệt giữa các ngân hàng mẹ ở nước ngoài và ngân hàng con (chi nhánh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài) hoạt động tại Việt Nam.
Cho đến thời điểm hiện tại, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng vẫn bảo đảm an toàn, có khả năng đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ đến hạn và thỏa mãn hầu hết các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế trong khi cung, cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn ổn định thì yếu tố tâm lý và kỳ vọng bất hợp lý của thị trường được tạo lập trên cơ sở các thông tin bất đối xứng và/hoặc không đáng tin cậy là nguyên nhân chính dẫn đến tăng tỷ giá USD/VND không hợp lý. Trong nền kinh tế có mức độ đô la hóa cao thì tác động của yếu tố tâm lý đến ổn định tỷ giá là rất lớn có thể dẫn đến những phản ứng thái quá của thị trường và để lại những hậu quả đáng tiếc cho các chủ thể và nền kinh tế.
Do đó, người dân và doanh nghiệp cần hết sức thận trọng với các thông tin bất đối xứng hoặc lời đồn đoán thiếu căn cứ để không phải gánh chịu rủi ro tỷ giá không đáng có. Các doanh nghiệp và tổ chức tài chính cần hành động một cách thông minh, có trách nhiệm với cộng đồng và nền kinh tế.
Bích Ngọc - Vneconomy