Dự án tài chính nông thôn II: Nguồn vốn hiệu quả cho khu vực tam nông

Nguồn vốn có tổng trị giá 235 triệu USD; 444.644 món vay được giải ngân; tạo thêm 274.896 việc làm mới ở khu vực nông nghiệp, nông thôn... Đó là những con số ấn tượng, đọng lại khi chúng tôi tiếp cận Dự án Tài chính nông thôn (TCNT) II do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Từ những con số trên báo cáo, chúng tôi đã có cuộc hành trình dọc theo hướng Tây Bắc để mắt thấy tai nghe những hiệu quả của nguồn vốn này.
Tiếp sức cho doanh nghiệp nông thôn

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Hà Tây. Đây là một trong số 25 định chế tài chính tham gia giải ngân (bán lẻ) nguồn vốn dự án TCNT II. Phó giám đốc Agribank Hà Tây Đinh Viết Dụ cho biết, trong 2,47 triệu dân cư của tỉnh Hà Tây cũ, có đến 91% dân số là thuần nông, do đó, nguồn vốn cho khu vực "tam nông" lúc nào cũng "khát". Ngoài số vốn Chi nhánh huy động được, Agribank đã nhận được tất cả 6 dự án ủy thác đầu tư với tổng nguồn vốn là 202 tỷ đồng, riêng vốn Dự án TCNT II là 28 tỷ đồng, chiếm 14% trong tổng vốn ủy thác đầu tư. "Chúng tôi tiếp cận nguồn vốn này rất thuận lợi. Nhờ dự án này của WB, Agribank Hà Tây có thêm vốn để mở rộng đầu tư cho vay phục vụ sản xuất khu vực "tam nông" - ông Dụ nói.

Xét về lợi ích kinh tế, nhờ dự án TCNT II, ngân hàng có thêm nguồn vốn giúp cho các hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, làng nghề truyền thống; hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư máy móc, thiết bị, mua nguyên liệu để phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh cho thị trường, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Riêng ở địa bàn Mỹ Đức, Đức Thọ, Quốc Oai… nguồn vốn ngân hàng đã, đang góp phần quan trọng phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất tinh thần, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, việc triển khai TCNT II còn giúp người dân hiểu và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Bởi theo yêu cầu của WB, các dự án đầu tư, sản xuất, phải đáp ứng được điều kiện về môi trường sinh thái mới được ngân hàng cho vay. Ông Đinh Viết Dụ cho biết, bằng cách quản lý vốn hiệu quả, doanh số hoạt động của nguồn vốn này tại Agribank Hà Tây qua nhiều vòng quay đã lên tới 100 tỷ đồng, với khoảng 500 hộ sản xuất và hàng trăm DN được vay vốn. "Nói có sách mách có chứng" ông Dụ giới thiệu chúng tôi đến Công ty TNHH Nam Vang. Đây là một trong những DN đi lên từ nghề truyền thống sản xuất bông, đệm mút ở Thường Tín. Sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp này gắn liền với "lịch sử" quan hệ tín dụng với Agribank Hà Tây.

Ông Lê Văn Ninh - Giám đốc Công ty TNHH Nam Vang tâm sự, ngay khi thành lập (tháng 2/2007), công ty đã lập dự án đầu tư máy móc công nghệ cao vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đề án nhập khẩu dây chuyền hoàn thành, nhưng vốn tự có của công ty không đủ, thế là ông Ninh quyết định "gõ cửa" ngân hàng. Bản đề án vay vốn phát triển sản xuất của Công ty TNHH Nam Vang đã thuyết phục được Agribank huyện Phú Xuyên (một trong những định chế tài chính tham gia dự án TCNT II) duyệt và cho vay 4 tỷ đồng. Cùng với số vốn tự có, Công ty đã nhập một dây chuyền sản xuất đệm mút công nghệ Hàn Quốc trị giá 370 nghìn USD.

Ông Ninh xúc động nhớ lại, thời điểm đó công ty rất khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất. Nguồn vốn vay được từ dự án TCNT II thực sự là một trợ lực lớn cho DN. Nhờ có đầu tư tốt, các sản phẩm của Nam Vang như nệm, gối cao su thiên nhiên; nệm lò xo OrthoCare, Cassaro, Bello, Salon… đều đã sớm khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Mặc dù là DN trẻ và nhỏ, ra đời trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của khủng hoảng tài chính nhưng doanh thu hàng năm của công ty vẫn đạt trên 40 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động là 2 triệu đồng/người/tháng. Đến nay công ty đã trả hết vốn vay, tạo việc làm cho hơn 100 lao động có thu nhập ổn định. Với đà phát triển như hiện nay, Nam Vang không chỉ khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong nước mà còn hướng tới thị trường nước ngoài.

Xanh thêm những vườn cây

Rời chi nhánh Agribank Hà Tây và Công ty TNHH Nam Vang, chúng tôi đến với "xứ sở" của mía ở huyện Cao Phong - Hòa Bình. Cao Phong vốn nổi tiếng với nghề trồng cam và mía. Hai loại cây này đã mang lại thu nhập cho nhiều hộ nông dân ở vùng cửa ngõ Tây Bắc.  Diện tích trồng mía đã tăng lên đáng kể khi nguồn vốn Dự án TCNT II "tràn" đến. Ông Phạm Kiên Cường - Phó giám đốc Agribank Hoà Bình - đơn vị được tín nhiệm triển khai cả hai Dự án TCNT I (28 tỷ đồng) và TCNT II  (30 tỷ đồng) chia sẻ, vốn huy động trên địa bàn hiện nay chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu vay vốn của khách hàng. Trong bối cảnh huy động vốn khó khăn, nhất là vốn trung và dài hạn, thì nguồn vốn của các tổ chức quốc tế như WB là điều kiện để ngân hàng có thể "tiếp sức" dài hơi cho DN, hộ sản xuất; giúp họ cơ cấu lại vật nuôi cây trồng, hoặc đầu tư lâu dài, nhằm cải thiện căn bản nguồn thu. Song, ông Cường cũng cho biết, xác định đây là nguồn vốn dự án của các tổ chức tài chính nước ngoài nên chi nhánh đã triển khai chặt chẽ, đồng bộ, để tạo niềm tin với tổ chức quốc tế. Ngay từ khi nhận dự án, Agribank Hoà Bình đã "quán triệt" tinh thần này tới tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch, thậm chí cả tới chính quyền địa phương và khách hàng để nguồn vốn được đến đúng đối tượng và "sinh sôi nảy nở". Nhờ cung ứng vốn kịp thời cho người dân nên các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong tỉnh ngày càng được nhân thêm.

Trên chiếc xe Pajero hai cầu (được Dự án TCNT II tài trợ) trườn qua những quả đồi, xuyên qua bạt ngàn bãi mía, chúng tôi theo các cán bộ Agribank Hòa Bình đến với trang trại mía ở Cao Phong. Theo những cán bộ tín dụng của Agribank Hòa Bình, nguồn vốn của TCNT II đã hỗ trợ cho nhiều hộ gia đình trồng mía ở huyện Cao Phong. Tiêu biểu như gia đình anh Mai Văn Bình, xóm Tiến Lâm, xã Bắc Phong (Cao Phong - Hoà Bình). Ngồi bên ấm trà trên nhà sàn đặc trưng của người Mán, được bao quanh bởi 10 ha mía, anh Bình - chủ vườn mía cho biết: trước đây gia đình anh chỉ trồng mía với diện tích nhỏ, nhưng từ năm 2009 nhờ vay được 300 triệu đồng của Agribank Hoà Bình, gia đình đã mở rộng diện tích trồng mía. Bấm ngón tay nhẩm tính, lúc thu hoạch gia đình anh sẽ thu lãi gần 100 triệu đồng. Khi chúng tôi hỏi về kỹ thuật trồng mía, anh ngừng một lúc nói: Để có được vị ngọt của mía, ngoài việc chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, còn phụ thuộc vào thời tiết. "Nhưng điều quan trọng hơn cả đó chính là nguồn vốn các anh ạ. Kỹ thuật thì có thể tìm hiểu trên sách báo, truyền hình nhưng nguồn vốn thì phải "trông cậy" vào ngân hàng" - anh Bình nhấn mạnh.

25 định chế tài chính tham gia dự án, đã giải ngân hơn 400 ngàn khoản cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tại khắp các tỉnh thành trong cả nước, góp phần tạo nên bức tranh nông thôn mới, nhiều mảng màu tươi sáng hơn... Những nơi chúng tôi đến chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh ấy. Và thông tin chúng tôi nhận được từ văn phòng WB, có thể giúp hình dung thêm thành công của dự án TCNT:  Theo đánh giá của WB, Việt Nam là nước triển khai thành công nhất mô hình dự án TCNT của WB trên thế giới. WB đã quyết định tiếp tục để BIDV triển khai dự án TCNT III trước cả khi Dự án TCNT II được tổng kết. Đây là một tiền lệ chưa từng xảy ra đối với các dự án của WB. Hơn nữa, từ việc thực hiện thành công dự án này, chúng ta đã khẳng định với các tổ chức tài chính quốc tế: Việt Nam đã  và sẽ tiếp tục khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn quốc tế.
 
Thanh Hường - Website NHNN