Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ vẫn vượt trội
Nhiều doanh nghiệp vẫn chọn vay ngoại tệ đẩy tăng trưởng tín dụng vượt
trội, trong khi vay bằng VND vẫn chậm và ở mức thấp. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tháng 5/2010, tăng trưởng
tín dụng bằng ngoại tệ tiếp tục tăng mạnh.
Cụ thể, trong tháng 5 vừa qua, tín dụng bằng ngoại tệ đã tăng 3,16% so với tháng trước. Tính theo dữ liệu mà Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó, trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ đã lên tới 20,23%.Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng bằng VND vẫn tiếp tục ở mức thấp, dù đã có cải thiện. Tháng 5, tín dụng bằng VND tăng 1,53% so với tháng trước; tính chung 5 tháng đầu năm chỉ tăng 3,51%.
Tính chung, tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm ước tăng 7,46%, thay vì dự tính 8% mà lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra đầu tuần qua.
Như vậy, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ tiếp tục vượt trội so với bằng VND, thay vì thường thấp hơn trong những năm trước đây.
Với riêng tín dụng bằng ngoại tệ, diễn biến trên cũng là khác biệt lớn so với đầu năm 2009. Nếu quý 1/2009, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ âm 2,24%, tháng 4/2009 chỉ tăng 0,65% và tháng 5/2009 chỉ tăng 0,68%; thì năm nay là sự đột biến trong quý 1 (14,07%) và mức tăng 3% trong tháng 4 và 3,16% trong tháng 5 vừa qua.
Nguyên nhân chính của sự khác biệt này có từ chênh lệch lãi suất giữa vay bằng ngoại tệ với vay bằng VND.
Đầu và trong năm 2009, với chính sách hỗ trợ lãi suất và được bù 4%, lãi suất vay vốn bằng VND chỉ ở khoảng 6% - 7%/năm, không có chênh lệch lớn so với lãi suất cho vay bằng ngoại tệ. Trong khi vay ngoại tệ còn có rủi ro về biến động tỷ giá.
Nay, khi không còn chính sách bù lãi suất 4%, doanh nghiệp phải đối diện với lãi suất thực tế ở mức cao từ đầu năm đến nay, có từ 13% - 16%/năm. Lãi suất cao là một nguyên nhân hạn chế nhu cầu vay vốn, góp phần giải thích tăng trưởng tín dụng bằng VND tăng rất thấp và chậm trong 5 tháng qua.
Mặt khác, khi lãi suất vay VND cao, nhiều doanh nghiệp chuyển sang vay vốn bằng ngoại tệ (chủ yếu bằng USD) với lãi suất chỉ khoảng 6% - 8%/năm. Riêng với các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ, tại một số ngân hàng, lãi suất vay ưu đãi chỉ 5%/năm ở thời điểm này. Vay ngoại tệ đi cùng với rủi ro tỷ giá trong kỳ vay, nhưng chênh lệch lớn về lãi suất khi so với vay bằng VND là động cơ để có những lựa chọn. Mặt khác, từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND được duy trì ổn định, thậm chí có những thời điểm giảm đáng kể, càng củng cố thêm cho những lựa chọn đó.
Tuy nhiên, nếu xu hướng trên tiếp tục kéo dài có thể dẫn đến những bất cập trong hoạt động của hệ thống. Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong khi tín dụng bằng ngoại tệ liên tiếp tăng mạnh và đột biến trong 5 tháng qua, thì tốc độ tăng huy động ngoại tệ lại “lẹt đẹt” từ 0,21% - 0,78%. Riêng tháng 5 vừa qua huy động ngoại tệ có cải thiện nhưng cũng chỉ tăng 1,19%.
Những đối tượng nào được vay vốn bằng ngoại tệ?
Theo Điều 1 Quyết định số 09/2008/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 10/4/2008, tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn sau:
1. Để thanh toán cho nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
2. Để trả nợ nước ngoài trước hạn, nếu khoản vay đó đảm bảo các điều kiện: Chấp hành đúng các điều kiện về vay, trả nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối; khách hàng vay có khả năng trả nợ gốc và lãi vốn vay bằng ngoại tệ, tiết kiệm được chi phí vốn vay so với việc vay vốn nước ngoài.
3. Để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 15/12/2009, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 25/2009/TT-NHNN bổ sung thêm 2 đối tượng nhu cầu vốn được vay bằng ngoại tệ, gồm:
Thứ nhất, các nhu cầu để thực hiện các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu; trường hợp cho vay bằng ngoại tệ để sử dụng trong nước, thì khách hàng phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng cho vay.
Thứ hai, đối với các nhu cầu vốn ngoài quy định tại Điều 1 Quyết định số 09/2008/QĐ-NHNN phải được sự chấp nhận trước bằng văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Bích Ngọc - Vneconomy