Nâng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn ngân hàng lên 9%
Hiện tỷ lệ an toàn vốn tại nhiều ngân hàng thương mại đã đạt phổ biến từ
8% - 11% và quy định mới đến 1/10/2010 mới có hiệu lực.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành văn bản, trong đó quy định nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng thương mại lên 9%.
Ngày 20/5, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thông tư này thay thế Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN và một số văn bản liên quan của Ngân hàng Nhà nước.
Một điểm đáng chú ý trong thông tư trên là quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Cụ thể, Điều 4 của Thông tư quy định: Tổ chức tín dụng, trừ chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% giữa vốn tự có so với tổng tài sản “Có” rủi ro của tổ chức tín dụng (tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ).
Cũng theo Điều 4 của Thông tư, tổ chức tín dụng phải thực hiện báo cáo tài chính hợp nhất theo quy định của pháp luật, ngoài việc duy trì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ theo quy định nói trên, phải đồng thời duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% trên cơ sở hợp nhất vốn, tài sản của tổ chức tín dụng và công ty trực thuộc (tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất).
Như vậy, tỷ lệ an toàn vốn nói trên đã được nâng lên 9% thay cho mức 8% như quy định trước đó. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh này nhằm phù hợp với thực tế hiện nay, khi nhiều ngân hàng thương mại hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, và nhằm tiến thêm một bước trong việc tuân thủ 25 nguyên tắc thanh tra cơ bản của Ủy ban Basel.
Để thực hiện quy định mới, Ngân hàng Nhà nước xác định một thời hạn nhất định để các tổ chức tín dụng đáp ứng. Cụ thể, thời điểm thông tư trên có hiệu lực là từ ngày 1/10/2010.
Hiện tại, nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam có tỷ lệ an toàn vốn nói trên phổ biến từ 8% - 11%.
Bích Ngọc - Vneconomy