Lãi suất cho vay VND sẽ phổ biến dưới 15%/năm

Hầu hết các ngân hàng thương mại sẽ áp lãi suất cho vay VND theo cơ chế thỏa thuận tối đa dưới 15%/năm, cá biệt có trường hợp là 18%/năm.
Ngày 9/4, Ngân hàng Nhà nước có Công văn số 2651/NHNN-CSTT yêu cầu các ngân hàng thương mại cung cấp mức lãi suất cho vay thỏa thuận bằng VND. Hạn nộp báo cáo là 13h cùng ngày.

Ngày 10/4, tại cuộc họp với UBND Tp.HCM và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp thông tin về các mức lãi suất cho vay tối đa mà các ngân hàng thương mại sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Theo tài liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, chênh lệch mức lãi suất cho vay VND tối đa không lớn giữa khối ngân hàng quốc doanh và khối cổ phần, nhưng ngay trong khối cổ phần lại có khác biệt lớn. Ngoài ra, mức tối đa cũng sẽ áp riêng cho một số nhóm đối tượng vay vốn khác nhau.

Cụ thể, khối ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, MHB) và hai thành viên vừa cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu lớn là Vietcombank và Vietinbank cùng thống nhất mức lãi suất cho vay VND tối đa trong thời gian tới từ 14% - 14,5%/năm; trong đó Vietinbank, BIDV, MHB thống nhất tối đa là 14%/năm.

Với tín dụng nông thôn và tín dụng xuất khẩu, nhóm ngân hàng trên chỉ áp tối đa từ 12% - 14%/năm.

Trong khối ngân hàng cổ phần, những thành viên như Maritime Bank, ACB, Eximbank, VIB chỉ áp mức tối đa là 15%; cá biệt tại VPBank là 14,5%/năm, tại MB chỉ từ 13,7% - 14,5%/năm. Riêng tín dụng đối với xuất khẩu, nhóm này áp phổ biến dưới 14,4%/năm, tại MB tối đa chỉ 13,7%/năm.

Cá biệt, trong nhóm ngân hàng cổ phần, mức tối đa khá cao có tại Techcombank với 18%/năm, với tín dụng nông thôn tối đa là 17,5%, với tín dụng xuất khẩu là 16,5%/năm. Trả lời VnEconomy cuối tuần qua, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank, giải thích rằng việc áp lãi suất cao hay thấp được căn cứ theo mức độ uy tín của doanh nghiệp, hiệu quả của các dự án; trường hợp phải áp lãi suất cao cũng được xác định theo những căn cứ đó, theo các mức độ rủi ro.

Những mức lãi suất tối đa các ngân hàng đưa ra nói trên chưa phản ánh rõ yếu tố cạnh tranh, nhưng cùng có giá trị là bước đầu góp phần chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp vay vốn, khi trong thời gian qua nhiều trường hợp phải vay với lãi suất từ 16% - 18%/năm, thậm chí cao hơn. Và lãi suất tối đa đồng nghĩa với khả năng doanh nghiệp có thể được tiếp cận với những mức “mềm” hơn.

Để có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay, quan điểm chung mà đại diện một số ngân hàng lớn đưa ra là cần giảm chi phí đầu vào, trong đó lãi suất huy động là cơ bản. Tuy nhiên, hiện phần lớn các thành viên đều đang áp lãi suất huy động đồng loạt ở mức 10,49%/năm, hay 10,499%/năm ở hầu hết các kỳ hạn.
 
Bích Ngọc - Vneconomy