Nguồn vốn Agribank góp phần thúc đẩy cơ giới hoá nông nghiệp


Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp thăm hỏi hỗ trợ kịp thời các hộ nông dân vay vốn mua máy sản xuất nông nghiệp
Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp thăm hỏi hỗ trợ kịp thời các hộ nông dân vay vốn mua máy sản xuất nông nghiệp.
    Cơ giới hóa nông nghiệp, một trong những thành tựu vĩ đại của thế kỷ 20, được thực hiện bằng công nghệ cao, đã tạo ra giá trị trong sản xuất nông nghiệp của thế giới thông qua việc sử dụng hiệu quả hơn về lao động, với trọng tâm là đem lại năng suất cao, hiệu quả bền vững trong sản xuất.  
Ở nhiều nước trên thế giới, việc sử dụng máy móc công nghệ cao trong sản xuất đã trở nên phổ biến. Song với nhiều nông dân Việt Nam, điều này vẫn là ước mơ do chi phí của một chiếc máy nông nghiệp hiện đại tương đối cao.

Thực hiện Quyết định 68 của Chính phủ, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng hỗ trợ cho vay để phát triển sản xuất theo hướng cơ giới hoá. Theo đó, Agribank tạo điều kiện thuận lợi nhất để nông dân tiếp cận nguồn vốn, với hình thức hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu, và 50% lãi suất từ năm thứ ba trở đi.

3 năm trước, nhờ vốn vay của Agribank, Anh Lê Văn Tú ở ấp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp mua được 1 chiếc máy cày hiệu Kubota (Nhật Bản). Gia đình neo người, lao động ruộng đồng trước đây tốn nhiều công sức, mà năng suất chẳng được bao nhiêu. Trong 3 năm qua, Anh Tú trực tiếp lái máy cày đi làm dịch vụ, vợ chồng anh mỗi năm thu nhập có dư từ 200 – 250 triệu đồng, chưa kể nguồn thu của 4 héc-ta lúa đang canh tác 1 năm 3 vụ.

Gia đình Anh Tú đã vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp nhiều năm, phục vụ mục đích tiêu dùng cuộc sống và sản xuất nhỏ. Biết về QĐ 68, được cán bộ ngân hàng hỗ trợ tận tình làm các thủ tục cần thiết nên đã tiếp cận nguồn vốn thuận lợi. Rất nhanh sau đó, anh đã có tiền mua chiếc máy cày trị giá 460 triệu đồng. Đến nay, gia đình anh đã trả nợ cho ngân hàng 400 triệu. Dự kiến năm sau, vợ chồng anh Tú sẽ trả hết nợ.

Anh Tú cho biết thêm, các cán bộ ngân hàng động viên, sắp tới anh dự định tiếp tục vay theo QĐ 68 để mua thêm 1 chiếc máy cày nữa đi làm dịch vụ tại địa phương và các tỉnh lân cận.

Đến các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay, không còn hình ảnh hàng trăm người nông dân đổ ra đồng làm việc mỗi mùa cấy, mùa gặt. Thay vào đó, chỉ còn vài chiếc máy cấy, máy gặt đập liên hợp làm việc năng suất, thay thế sức lực con người, vừa giảm thất thoát trong thu hoạch, mà mang lại hiệu quả cao.

Nguồn vốn Agribank góp phần thúc đẩy cơ giới hoá nông nghiệp - ảnh 1

Nhờ vốn vay của Agribank, nhiều hộ nông dân có cơ hội tiếp cận máy móc nông nghiệp hiện đại, nâng cao năng suất cao động, cải thiện cuộc sống

Ông Lê Xuân Trường, ở ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã tiếp cận vốn vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Thành từ năm 2011 đến nay. Nhờ vay vốn ngân hàng, gia đình ông mua 2 máy gặt đập liên hợp hiệu Yanmar với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng, vừa phục vụ thu hoạch lúa nhà, vừa đi làm dịch vụ cắt lúa thuê cho các hộ khác trong và ngoài tỉnh.

Mua máy nông nghiệp hiện đại, được Công ty Yanmar hỗ trợ gói bảo hiểm máy, tham gia bảo hiểm bảo an tín dụng ABIC đề phòng rủi ro xảy ra; kể từ khi có máy gặt đập liên hợp đến nay, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định. Nhờ việc đi làm dịch vụ cắt lúa thuê, đã giúp ông mở rộng sản xuất, mua thêm 3 công ruộng, nâng tổng số 5,9 héc-ta đất lúa của gia đình. Bên cạnh đó, ông Trường còn đứng ra thuê thêm 3 héc-ta đất để sản xuất lúa.

Ông Trường vui mừng cho biết, từ khi được vay vốn mua máy gặt đập liên hợp, không lúc nào máy nghỉ ngơi, chạy hết cánh đồng này đến cánh đồng khác để thu hoạch lúa. Bình quân 1 năm 3 vụ lúa, 2 chiếc máy có thể hoạt động cắt lúa trên 600 ha/năm. Trừ hết chi phí hoạt động, 2 chiếc máy mang lại thu nhập cao cho gia đình. Tuy hoạt đông liên tục nhiều năm qua, 2 chiếc máy của gia đình ông đến nay vẫn phát huy hiệu quả, nhờ vậy, ông đã trả được một nửa số vốn vay ngân hàng.

Còn nông dân Nguyễn Thanh Bình, ở ấp Tân Phú, xã Phú Lâm, huyện Phú Tân được vay vốn mua 2 máy gặt đập liên hợp mới nhãn hiệu Kubota vào năm 2015. Vay vốn với chương trình hỗ trợ lãi suất theo QĐ 68, gia đình ông được hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% lãi suất từ năm thứ 3.

Nguồn vốn Agribank góp phần thúc đẩy cơ giới hoá nông nghiệp - ảnh 2 

Theo ông Bình, các máy nông nghiệp hoạt động rất phù hợp với địa hình đất đai tại địa phương, sức máy mạnh và không bị lún ngập trong bùn, dòng máy cũng dễ sử dụng với nông dân. Bên cạnh đó, ông Bình có tay nghề cơ khí, nên khi máy hư hỏng hay trục trặc kỹ thuật, có thể xử lý được ngay. Vì vậy, hoạt động máy mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Ông Bình cho biết, nhờ hỗ trợ của ngân hàng Agribank, đến nay gia đình ông đã trả hơn 50% vốn vay và có dư được một số vốn tích lũy, xây dựng được một ngôi nhà mới khang trang, mua thêm được một số công đất ruộng và lo cho con cái học hành.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động không nhỏ đến sự phát triển ngành nông nghiệp. Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản là vấn đề cấp bách. Nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động và tăng lợi nhuận…

Tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp với lãi suất ưu đãi, thông qua đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, ký kết thoả thuận hợp tác với các tập đoàn máy nông cụ lớn trên thế giới (Tata Ấn Độ, Yanmar, Kubota Nhật Bản), Agribank đang tích cực góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chú trọng cơ giới hóa nông nghiệp, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.