Quyết liệt xử lý nợ xấu, đưa dòng vốn mới chảy vào nền kinh tế

Với quyết tâm xử lý nợ xấu hiệu quả hơn nữa, năm 2019, Agribank đề ra mục tiêu mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý, song hành với việc kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, đưa dòng vốn tiếp tục quay vòng phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng

Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu

Cũng chính bởi nợ xấu cao, nên trong giai đoạn đầu tái cơ cấu, Agribank luôn phải nỗ lực giải quyết nợ xấu bằng cách tích cực, chủ động áp dụng nhiều giải pháp, kể cả đề nghị cơ quan pháp luật hỗ trợ. Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể như: nhiều con nợ chây ì, thiếu hợp tác, tìm cách tẩu tán tài sản, các tòa dân sự quá tải, thủ tục phức tạp, kéo dài…

Khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD chính thức có hiệu lực, tiếp đó NHNN ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN và Kế hoạch hành động của toàn ngành Ngân hàng về xử lý nợ xấu, Agribank đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động với những giải pháp rất cụ thể, quyết liệt để phá tảng băng nợ xấu, khơi thông nguồn vốn đưa vào đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Ngân hàng đã tổ chức rà soát, xây dựng, tập huấn quy chế thu giữ tài sản đảm bảo, giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm (TSBĐ), bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường. Khi đó, Agribank cũng là một trong những ngân hàng chủ động thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản nợ xấu đến 15/8/2017, thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực. Không những vậy, ngân hàng còn miễn, giảm lãi tồn đọng theo thời hạn trả nợ gốc để khuyến khích khách hàng tìm nguồn thu trả nợ ngân hàng, đồng thời hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh; Củng cố tăng cường năng lực hoạt động của Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (AMC)…

Chia sẻ thêm về việc ngân hàng triển khai đồng bộ giải pháp “ưu ái” cho khách hàng, lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng quán triệt ngay từ đầu là gắn việc xử lý nợ xấu với hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Agribank chấp nhận giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ khách hàng trả nợ. Bên cạnh đó, ngân hàng phối hợp với VAMC và các đơn vị có liên quan triển khai một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng trả nợ ngân hàng.

Với sự hỗ trợ của NHNN và các bộ, ban ngành, sự quyết tâm của Agribank, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Kết thúc năm 2018, nợ xấu nội bảng của Agribank về mức 1,51%. Ngân hàng thu hồi được gần 12 nghìn tỷ đồng nợ đã bán và được xử lý rủi ro, chiếm tỷ lệ 14% tổng dư nợ đã xử lý. Điều này giúp Agribank đạt con số lợi nhuận kỷ lục 7.525 tỷ đồng trong năm 2018-cao nhất kể từ khi hoạt động đến nay. Nó không chỉ lấy lại niềm tin của người dân, nhà đầu tư, mà còn tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc của một ngân hàng lớn.

Thậm chí, với gần 26 nghìn tỷ đồng đã được trích lập dự phòng rủi ro, Agribank tự tin đủ khả năng mua lại toàn bộ số nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.

Lãnh đạo Agribank cho biết, lũy kế đến 31/3/2019, Agribank đã thu hồi và tự xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đạt trên 93.000 tỷ đồng, bao gồm: thu nợ gốc đã bán cho VAMC; thu nợ gốc đã xử lý rủi ro; thu và xử lý nợ xấu nội bảng; thu và xử lý nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780, Thông tư 09 và Nghị định 55.

Không lơ là với nợ xấu

Không chủ quan với những gì đạt được, Agribank quán triệt nhận thức không được phép lơ là với rủi ro nợ xấu. Theo đó, ngân hàng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, song song với đó là tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh để dòng vốn quay vòng nhiều hơn, nhanh hơn và phát huy hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế. Giải pháp quan trọng nữa mà ngân hàng hướng tới là nâng cao năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro, từng bước tiệm cận với thông lệ quốc tế, cũng như đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động.

Với kỳ vọng giải quyết tối đa xử lý nợ xấu, triển khai hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 42, từ thực tiễn hoạt động, Agribank mong muốn những khó khăn, vướng mắc liên quan về thu giữ tài sản; về áp dụng các thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án; về xử lý TSBĐ là dự án bất động sản; về nghĩa vụ nộp thuế (thuế thu nhập cá nhân, các khoản nợ thuế, phí nợ khác liên quan đến TSBĐ); về mua bán nợ theo giá thị trường… sẽ sớm được tháo gỡ.

Trên thực tế, các TCTD rất lúng túng trong việc thực hiện thu giữ tài sản, nhất là khi khách hàng không hợp tác trong việc bàn giao tài sản, các cơ quan chức năng liên quan chưa phối hợp hỗ trợ tích cực thì việc thu giữ tài sản gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn. Khẳng định Nghị quyết 42 đã hỗ trợ tích cực cho các TCTD trong việc thu hồi nợ và đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, lãnh đạo Agribank mong muốn, trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự sẻ chia, phối hợp chặt chẽ, tích cực của các bộ, ban, ngành và các địa phương cùng với ngân hàng triển khai hiệu quả nghị quyết này.

“Với sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng các TCTD, trong đó có Agribank, hoạt động xử lý nợ xấu sẽ đạt được hiệu quả hơn nữa, để dòng vốn đang bị chôn vùi ở khối lượng tài sản nằm trong nợ xấu sẽ tiếp tục được khơi thông, quay vòng phục vụ phát triển nền kinh tế đất nước”, lãnh đạo Agribank bày tỏ hy vọng.