Cuộc chiến chống tín dụng đen ở miền sơn cước


Phiên giao dịch tại Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng ở xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

Chống tín dụng đen luôn được nhìn nhận là cuộc chiến gian nan. Đối tượng mà loại hình này hướng đến là những người chưa đủ điều kiện để vay ngân hàng, những người còn thiếu tài sản thế chấp, thiếu phương án đầu tư,… Cho nên, tín dụng đen là đối tượng cả nước, các ngành, địa phương phải “chiến đấu”. Nhưng với địa bàn các tỉnh Sơn La, Yên Bái mà tôi vừa đi qua, công tác chống tín dụng đen đang được hệ thống ngân hàng làm rất tốt.

Từ những việc làm thiết thực

Anh Phạm Văn Hoa, Giám đốc Agribank chi nhánh Sơn La nói với tôi, tín dụng đen không có “cửa” ở đây. Nhiều năm nay, Agribank Sơn La có tiếng là cho vay  hiệu quả theo hình thức ủy thác thông qua các hội, đoàn thể tại từng xã. 

Cùng với đó, tại các điểm giao dịch của Ngân hàng đều có phiếu đăng ký nhu cầu vay vốn dành cho khách hàng cá nhân. "Người dân gửi có phiếu mà cán bộ tín dụng không xem, không trả lời là tôi “xử” ngay", anh Hoa nói.

Không chỉ có vậy, Ngân hàng còn triển khai xe tín dụng lưu động đến từng xã, vùng sâu vùng xa. “Chúng tôi tính rồi, Ngân hàng cử 3 - 5 cán bộ xuống sẽ đỡ hơn việc hàng trăm khách hàng phải đi. Chúng tôi đã mang vốn đến tận tay người dân như vậy thì “cửa” nào cho tín dụng đen nữa!”, anh Hoa chia sẻ.     

Hình ảnh chuyến xe giao dịch lưu động của Agribank Mộc Châu - Sơn La khi xe xuống xã Nà Mường vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Ngày xe xuống xã để giao dịch, cả xã như một ngày hội nhỏ. Bà con tề tựu đông đủ bàn chuyện con gà, con lợn, người trả lãi, người vay.

“Ngân hàng xuống chúng tôi vui lắm, ngân hàng xuống một (một xe ô tô) chúng tôi được trăm thứ, được vay vốn, được trả lãi, được tư vấn sử dụng vốn, được tư vấn trồng cây, tư vấn tham quan mô hình sản xuất giỏi, hiệu quả của các xã bạn… Anh thấy không, nhiều người ngồi đây chưa vay vốn đâu, họ đến để nghe ngân hàng giới thiệu mô hình làm kinh tế hay đấy. Chúng tôi quanh quẩn ở đây đâu biết chỗ nào làm được cái gì hay đâu. Nhưng cán bộ ngân hàng thì khác, họ cho vay nhiều, đi nhiều xã thấy cái gì hay, dân làm được họ đều mách và chỉ chỗ cho chúng tôi đến xem, và học để làm đấy. Họ còn giúp chúng tôi vay mà làm giàu nữa...”,  bác Đinh Thị Duy (bản Nà Mường 2, xã Nà Mường) chia sẻ.

Tại những địa bàn tôi đi qua trong chuyến công tác Yên Bái, Sơn La vừa rồi, điều dễ dàng nhận thấy là bằng những việc làm cụ thể như vậy, hệ thống ngân hàng làm rất tốt công tác chống tin dụng đen. Người nghèo đã có vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, hộ cận nghèo có vốn vay cận nghèo, học sinh, sinh viên cũng có vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội... 

Đấy là chưa kể đến hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân với hơn 1.000 quỹ nằm ngay trong các xã, cho vay các thành viên. Thủ tục vay thì hết sức đơn giản, gần như có thể lấy tiền ngay trong ngày đáp ứng được những nhu cầu tài chính cấp bách nhất của người dân...

Đến cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng

Cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp là một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành Ngân hàng thời gian qua. Thực tế, nhiều năm qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn là đơn vị dẫn đầu trong các bộ, ngành về cải cách hành chính công, nhiều thủ tục, giấy tờ được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục hành chính. Các bộ hồ sơ vay vốn, tiếp cận vốn được niêm yết công khai, minh bạch tại trụ sở của các ngân hàng để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn.

Không những thế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức đối thoại kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để giải quyết khó khăn ngay cho doanh nghiệp.

Rồi Ngân hàng Nhà nước cũng là đầu mối thông tin cho các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh về chính sách của ngành Ngân hàng, giải đáp các vướng mắc của các đại biểu để các đại biểu Quốc hội hiểu hơn về chính sách, cơ chế của ngành Ngân hàng, qua đó thông tin đến doanh nghiệp, người dân...

Và để tiếp tục cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) - đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - mới đây đã vận hành Cổng thông tin khách hàng vay.

Một cái “chợ” tín dụng đã thành hình, đây là cơ hội để mọi người dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng có thể tiếp cận với các tổ chức tín dụng trên mọi miền tổ quốc. Tất cả hồ sơ vay vốn của người dân sẽ được cán bộ tín dụng ngân hàng xem xét, xử lý nhanh chóng, phù hợp với pháp luật và nhu cầu của người dân…

Và với “chợ” này, hoạt động tín dụng tới đây chắc chắn sẽ còn thuận lợi hơn nữa, cùng với các ngành, các cấp, địa phương... góp thêm một giải pháp để chống tín dụng đen.