Ngành Ngân hàng góp phần thúc đẩy kinh tế Quảng Nam

Nhân kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng Quảng Nam, 20 năm tái lập tỉnh (1997-2017), sáng ngày 26/3/2017, UBND tỉnh Quảng Nam cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức “Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Nam năm 2017”. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương… Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh tham dự hội nghị và trao Hợp đồng cấp tín dụng tài trợ vốn lưu động Công ty Cổ phần Kính nổi Chu Lai.
Ngành Ngân hàng  góp phần thúc đẩy kinh tế Quảng Nam
 
Diện mạo thay đổi vượt bậc
 
Ngay sau chia tách tỉnh năm 1997, Quảng Nam vẫn còn là tỉnh thuần nông, hạ tầng kinh tế còn nhiều khó khăn, bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo quá cao, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế, lại liên tiếp bị thiên tai, lũ lớn gây ra hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Đến nay Quảng Nam đã đứng vào top các tỉnh phát triển khá, có quy mô nền kinh tế tăng gấp nhiều lần, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 
Vậy mà sau 20 năm, diện mạo của Quảng Nam đã có bước thay đổi vượt bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm (1997-2016) đạt gần 11%/năm; quy mô kinh tế đạt gần 80.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 3,5 tỷ USD, gấp gần 27 lần năm 1996. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ: Công nghiệp chiếm 35,82%, giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện gần 75.700 tỷ đồng gấp 76 lần năm 1996; dịch vụ chiếm 27,53%, đạt 16.132 tỷ đồng và giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản xuống còn 12,05%.
 
Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng đa dạng hoá ngành nghề và chuyển dần từ thuần nông sang mở rộng ngành nghề phi nông nghiệp. Cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tương ứng với GRDP: tỷ trọng lao động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 19,5% năm 1996 lên gần 52% năm 2016; lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 80,5% năm 1996 xuống còn 48% năm 2016.
 
Sau 20 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông thuộc diện nghèo của cả nước, Quảng Nam đã vươn lên thành tỉnh phát triển nhất nhì trong khu vực miền Trung, có đóng góp vào ngân sách Trung ương.
 
Để làm được những điều này, theo ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương đã có nhiều chính sách thông thoáng, chấp nhận giảm bớt nguồn thu để thu hút nhà đầu tư. Quảng Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy quản lý sang phục vụ DN. Với tinh thần cầu thị, địa phương luôn xem DN, nhà đầu tư là bạn đồng hành, nhà tư vấn trong phát triển kinh tế địa phương.
 
Bên cạnh, các cơ chế, chính sách xác định hạ tầng đi trước một bước, địa phương cũng đặc biệt chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện, cơ sở hạ tầng của tỉnh đã được đầu tư khá đồng bộ, khá hoàn chỉnh từ giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển, hàng không.
 
Ngoài ra, Quảng Nam còn đẩy mạnh kết nối các trục giao thông lên vùng phía tây, sang Lào, Thái Lan. Đồng thời, tiến hành quy hoạch, xây dựng các KCN và cụm công nghiệp. Đặc biệt, Quảng Nam có Khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực theo thông lệ quốc tế.
Với nhiều nỗ lực, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng sau 20 năm, trong đó có công tác thu hút đầu tư, trở thành một điểm sáng thu hút đầu tư ở khu vực miền Trung. Vào thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam chỉ mới thu hút được được 80 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư trong nước và 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 35 triệu USD.
 
Đến nay, trên địa bàn có 129 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký gần 2 tỷ USD. Chỉ tính riêng năm 2016, toàn tỉnh đã cấp mới 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký gần 122,8 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 1997 - 2016 đạt 10,9%/năm, riêng năm 2016 tăng 14,73%, cao nhất trong vòng 10 năm gần đây.
 
Thu hút mạnh đầu tư đã góp phần thúc đẩy kinh tế Quảng Nam phát triển vượt bậc. Tập trung vào hai trụ cột là công nghiệp chế tạo và du lịch dịch vụ, từ một tỉnh thuần nông đến nay Quảng Nam đã tự cân đối, điều tiết ngân sách và có đóng góp cho ngân sách trung ương.
 
Ngành Ngân hàng đồng hành cùng Quảng Nam
 
Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp nhằm huy động tối đa nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam. Hiện nay tại tỉnh Quảng Nam có 23 tổ chức tín dụng và Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (năm 1997 chỉ có 3 chi nhánh Ngân hàng thương mại, 3 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở). Huy động nguồn vốn tại chỗ đến cuối năm 2016 đạt trên 34 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 200 lần so với năm 1996, tốc độ tăng vốn huy động trên 30%/năm (1997-2016).  Dư nợ cho vay đến cuối năm 2016 đạt 43,5 nghìn tỷ đồng, gấp 168 lần so với 1996, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 29%/năm.
 
Thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, ngư dân..có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, đẩy mạnh khai thác các thế mạnh của khu vực là phát triển công nghiệp và du lịch từ đó góp phần thay đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
 
Tại hội nghị, ông Trần Bá Dương - Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, sau 14 năm có mặt tại Quảng Nam, Trường Hải đã trở thành DN tư nhân lớn nhất Việt Nam. Đạt được thành công hôm nay, một trong những nguyên nhân chính là sự đồng hành của chính quyền, xem việc của DN là việc của mình. Những tương hỗ này sẽ là động lực để DN tiếp tục gắn bó với mảnh đất miền Trung này. Một trong những minh chứng, ngay trong dịp này Thaco sẽ tổ chức khởi công, xây dựng nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda tại Chu Lai.
 
Còn bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, cũng đánh giá cao môi trường đầu tư tại Quảng Nam. Theo bà Nga, để tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn nữa địa phương cần có thêm những chính sách như cơ sở hạ tầng, giao đất sạch cho nhà đầu tư, nâng cấp sân bay Chu Lai…
 
Đồng hành cùng sự phát triển của Quảng Nam, kể từ thời điểm 1997 đến nay, ngành Ngân hàng trên địa bàn luôn song hành với sự phát triển của địa phương. Xuất phát điểm thấp với quy mô huy động, dư nợ khi chia tách tỉnh chỉ 208 tỷ đồng nguồn vốn huy động, 379 tỷ đồng dư nợ.
 
Đến nay, ngành Ngân hàng Quảng Nam đã khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, thực hiện tốt chức năng là kênh dẫn vốn của nền kinh tế, nỗ lực vượt qua khó khăn của những ngày đầu thành lập, từng bước đi lên và tạo bước đột phá trong mọi hoạt động với những kết quả ấn tượng.
 
Theo đó, từ năm 1997 đến cuối tháng 12/2016, tổng huy động vốn trên địa bàn tăng 170 lần, tổng dư nợ cho vay tăng 114 lần. Cụ thể, đến cuối tháng 12/2016, tổng huy động đạt 35.595 tỷ đồng, dư nợ đạt 43.556 tỷ đồng. Huy động và dư nợ cho vay duy trì mức tăng trưởng khá và ổn định trong suốt 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân huy động đạt 31,16%, dư nợ đạt 29,8%.
 
Đặc biệt, thời gian qua đồng hành với DN, nhà đầu tư vào Quảng Nam các TCTD đã triển khai nhiều giải pháp về hỗ trợ lãi suất, tín dụng, ngoại hối,… hỗ trợ DN, nhà đầu tư tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài việc hỗ trợ vốn cho nhiều dự án, các TCTD còn tích cực triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình kết nối DN-NH, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
 
Trong định hướng phát triển của mình, tỉnh Quảng Nam xác định tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí cho các ngành chế tạo, sản xuất sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là ngành sản xuất lắp rắp ô tô; công nghiệp hỗ trợ cơ khí cho công nghiệp sản xuất. Đồng thời, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may. Tiếp đó, ưu tiên phát triển mạnh ngành dịch vụ, vui chơi giải trí các khu vực ven biển.
 
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Nam năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc của Quảng Nam sau 20 năm tái lập tỉnh. Thủ tướng cũng chỉ rõ những điều kiện thuận lợi để Quảng Nam phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Quảng Nam cần tính đến chiến lược phát triển theo chiều sâu, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả không chỉ ở địa phương mà phải tính đến cả khu vực.
 
Bởi vậy, Quảng Nam cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc hoạch định định hướng, chính sách phát triển KT-XH của cả vùng, hỗ trợ lẫn nhau để có thể thu hút các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục xây dựng ngành du lịch, xây dựng thương hiệu cho du lịch, đưa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch, đặc biệt trở thành một trung tâm cơ khí ô tô lớn ở khu vực... phấn đấu vươn lên trở thành một tỉnh giàu có toàn diện ở miền Trung.
 
Ngay tại Hội nghị, các TCTD đã trao thỏa thuận tài trợ vốn cho các DN đầu tư vào Quảng Nam. Theo đó, 6 NHTM đã cam kết tài trợ hơn 26 nghìn tỷ đồng cho 10 dự án phát triển KT-XH của địa phương. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực trọng điểm như du lịch, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, phát triển Khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, bệnh viện...
 
Quang Tùng