Nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam đã phối hợp của các Bộ, Ngành, địa phương từng bước hoàn thiện các
cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng thuộc
mọi thành phần kinh tế trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)
tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh
doanh. Các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đã có các đề án, chương trình
riêng hỗ trợ các DNNVV, dành nguồn vốn nhất định để cho vay các DNNVV
với mức lãi suất hợp lý.
Tính chung trong cả nước, DNNVV chiếm 95% tổng số doanh nghiệp. Sự phát triển nhanh chóng của các DNNVV trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và đóng góp cho ngân sách nhà nước.Theo báo cáo thống kê về hoạt động tín dụng của các TCTD, tỷ trọng cho vay đối với loại hình doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm dần và khu vực dân doanh có chiều hướng tăng lên. Nếu dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm 31/12/2009 là 372.711 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,25% thì đến ngày 30/6/2010, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước đạt 390.719 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,98%. Trong tổng dư nợ cho vay đối với khu vực dân doanh thì dư nợ cho vay đối với DNNVV đến 30/6/2010 ước đạt khoảng 527.844 tỷ đồng, chiếm 33,4% chiếm 27% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng bình quân trong 3 năm liên tiếp (2008-2010) ước đạt khoảng 28%.
Hoạt động tín dụng cho các DNNVV thời gian qua đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình tín dụng cho các DNNVV thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Phần lớn các DNNVV còn có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất của các DNNVV còn hạn chế, cơ sở vật chất còn nghèo nàn; Nhiều DNNVV chưa tạo dựng được thương hiệu, uy tín trên thị trường và thiếu tài sản bảo đảm, kết quả bảo lãnh cho các DNNVV thông qua các Quỹ bảo lãnh tín dụng và Ngân hàng phát triển còn khiêm tốn; Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của các DNNVV dễ gặp rủi ro do thiếu thông tin; chế độ báo cáo, thống kê và kiểm toán đối với DNNVV chưa theo chuẩn mực cũng phần nào gây khó khăn cho các TCTD khi thẩm định các dự án, phương án vay vốn của các DNNVV.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tín dụng cho các DNNVV trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối và ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu và DNNVV, điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, linh hoạt để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD và tạo điều kiện cho TCTD giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2010 ở mức 12%/năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi và xử lý kịp thời những vướng mắc, kiến nghị về các cơ chế tín dụng nhằm tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh hoạt động tín dụng truyền thống, các TCTD mở rộng các sản phẩm dịch vụ phù hợp với đặc thù của các DNNVV. Các TCTD xây dựng chỉ tiêu huy động vốn, tăng trưởng tín dụng và các giải pháp ưu tiên trong quan hệ tín dụng đối với DNNVV; Bên cạnh đó, các TCTD rà soát và cải cách thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa, phù hợp với đặc điểm của DNNVV, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; Thiết lập hệ thống thu thập, xử lý, lưu trữ thông tin đánh giá các loại khách hàng để đánh giá đúng thực trạng hoạt động của doanh nghiệp và đưa ra quyết định cho vay đúng đắn. Mạnh dạn cho vay tín chấp đối với các khách hàng truyền thống và hoạt động kinh doanh hiệu quả,…
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) xây dựng chính sách hỗ trợ đối với hoạt động cho thuê tài chính (Công ty cho thuê tài chính Sài Gòn Thương tín đã nhận được khoản vay của ADB với số tiền 10 triệu USD cho mục tiêu này). Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế xây dựng chính sách hỗ trợ các TCTD triển khai hoạt động cho thuê tài chính và bao thanh toán cho khách hàng, đặc biệt là các DNNVV.
Có thể nói, ngành Ngân hàng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đối với việc phát triển DNNVV. Tuy nhiên, để thực sự nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tín dụng cho các DNNVV, bản thân các DNNVV cần phải nâng cao hiệu quản lý và sử dụng vốn vay và trả nợ ngân hàng đúng hạn để tạo lòng tin và uy tín đối với ngân hàng; Các DNNVV cần chú trọng nâng cao trình độ quản lý; cải tiến công nghệ sản xuất để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh cao và tiêu thụ tốt; Ngoài ra, các DNNVV phải kiểm soát rủi ro tài chính trên có sở cân đối hợp lý nguồn vốn tự có tham gia vào dự án, phương án sản xuất kinh doanh và vốn vay ngân hàng. Coi vốn vay ngân hàng là nguồn vốn bổ sung, cần thiết thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Thanh Hường - Website NHNN