Hoạt động ngân hàng góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô
Năm 2009 trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Thành phố đã đạt mức tăng trưởng GDP 6.67% so năm 2008; giải quyết việc làm cho 128 nghìn người lao động… “Hoạt động ngân hàng đóng góp rất quan trọng với kinh tế-xã hội Thủ đô” là đánh giá của ông Hoàng Mạnh Hiển-Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Hà Nội năm 2010.
Hà Nội là một trung tâm kinh tế-tài chính, tiền tệ lớn của cả nước. Về quy mô hoạt động ngân hàng, Hà Nội là địa bàn đứng thứ hai sau TP HCM và hiện đang chiếm 34% tổng nguồn vốn huy động, 21% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng. Năm 2009, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động ngân hàng trên địa bàn Thủ đô vẫn giữ được sự ổn định và tiếp tục có sự tăng trưởng khá vững chắc.
Tiếp tục mở rộng mạng lưới, giữ thế mạnh về huy động vốn
Năm 2009, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Nội tiếp tục củng cố và tăng trưởng cả về mạng lưới và qui mô hoạt động theo hướng phát triển mạng lưới ngân hàng bán lẻ, đáp ứng yêu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh và nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của các thành phần kinh tế. Đến 31/12/2009, mạng lưới hoạt động ngân hàng trên địa bàn Hà Nội có 373 tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng với 1.587 điểm giao dịch, tăng hơn 300 điểm giao dịch so với 31/12/2008. Mạng lưới hệ thống ngân hàng tại Hà Nội được mở rộng, đặc biệt là tại các quận nội thành đã giúp cho người dân Thủ đô tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ ngân hàng.
Hà Nội luôn dẫn đầu hệ thống về công tác huy động vốn, nhất là nguồn tiền gửi dân cư. Đến 31/ 12/2009, tổng vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Hà Nội đạt 591.152 tỷ đồng, tăng 27,98% so cuối năm 2008. Trong cơ cấu vốn huy động, tiền gửi thanh toán của các tổ chức chiếm 55,4%, tiền gửi dân cư chiếm 44,6%; tiền gửi VND chiếm tỷ trọng 73,23%, tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm 26,77%.
Đáp ứng nhu cầu vốn, hỗ trợ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô
Đến 31/12/2009, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các TCTD trên địa bàn Hà Nội đạt 368.710 tỷ đồng, tăng 38,90% so với 31/12/2008, trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 213.852 tỷ đồng, tăng 38,27%; dư nợ cho vay trung dài hạn đạt 154.858 tỷ đồng, tăng 39,79%; dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất 84.681 tỷ đồng. Chính quyền Thành phố Hà Nội đặc biệt đánh giá cao hoạt động tín dụng ngân hàng đối với các đối tượng chính sách. Năm 2009, dư nợ cho vay của các TCTD đối với các đối tượng chính sách của Thành phố đạt gần 2.700 tỷ đồng, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 15.500 tỷ đồng. Vốn tín dụng đã hỗ trợ rất lớn cho Thành phố trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng
Năm 2009, các ngân hàng trên địa bàn đã tập trung phát triển dịch vụ ngân hàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Ngoài các dịch vụ truyền thống, hiện nay các NHTM, nhất là NHTMCP đang phát triển khá mạnh các dịch vụ ngân hàng điện tử ( thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, Internet banking, phone banking,..); mở rộng lắp đặt máy chấp nhận thẻ thanh toán tại các khách sạn nhà hàng, siêu thị ( hiện có 1.950 ATM và 2.350 điểm chấp nhận thẻ thanh toán -POS ). Một số ngân hàng đã triển khai các nghiệp vụ mới như Option, Future trên thị trường hàng hoá, bao thanh toán. Các hoạt động nghiệp vụ khác ngoài tín dụng, như kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế, bảo lãnh chuyển tiền nhanh, kiều hối, thu phí hộ, đã có bước phát triển tích cực; một số ngân hàng đã được các tổ chức quốc tế tặng danh hiệu về chất lượng thanh toán quốc tế, quản lý tài sản.
Triển khai nghiêm túc chủ trương chính sách
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Hà Nội năm 2010 tổ chức ngày 21 tháng 1 năm 2010, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đánh giá các đơn vị Ngân hàng trên địa bàn Hà Nội đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về tiền tệ và ngân hàng, hoạt động an toàn, hiệu quả, đồng thời đã có nhiều đề xuất, tham mưu tốt đối với NHNN và chính quyền địa phương. NHNN Chi nhánh TP Hà Nội đã làm tốt công tác thanh tra, giám sát, quản lý ngoại hối trên địa bàn. Thống đốc NHNN cũng đã chỉ đạo các NH trên địa bàn Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung: Mở rộng việc cung cấp các dịch vụ tiện ích ngân hàng; Chấp hành tốt chế độ quản lý ngoại hối; Các TCTD xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, vững chắc trên cơ sở quản trị rủi ro tốt; Tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; NHNN chi nhánh TP Hà Nội tiếp tục nâng cao vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn.