Ngành Ngân hàng Việt Nam năm 2009: Ba điểm nổi bật

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về ngân hàng; điều hành khá đồng bộ, hài hòa, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để bảo đảm nhất quán các chính sách kinh tế vĩ mô là những điểm nổi bật trong hoạt động của ngành Ngân hàng Việt Nam năm 2009.

           
Từ hậu quả của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, có lẽ chưa bao giờ hệ thống Ngân hàng Việt Nam phải cùng lúc đứng trước nhiều thách thức như năm 2009.

Đó là: Vừa phải gia tăng cho vay tín dụng kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chống lại nguy cơ suy giảm kinh tế trong khuôn khổ gói chính sách khẩn cấp chung của Chính phủ; mặt khác, vừa phải đề phòng nguy cơ tái lạm phát cao; vừa phải tăng cường đáp ứng nhu cầu về ngoại hối nói riêng và nguồn vốn cho doanh nghiệp nói chung trong bối cảnh suy giảm nguồn tiền huy động và nguồn thu ngân sách trong nước, nguồn thu tài chính từ nước ngoài, nhất là thu từ xuất khẩu, FDI; vừa phải chịu áp lực giữ vững nguồn dự trữ ngoại hối và phải thích ứng với các yêu cầu tự do hoá và cạnh tranh bình đẳng thị trường, bảo đảm tính kịp thời và linh hoạt trong phản ứng chính sách trước các biến động mau lẹ, khó lường của bối cảnh trong nước và quốc tế…

Trong khi đó, hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phải bảo đảm các yêu cầu hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành, trong đó có hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại, đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao và đa dạng của doanh nghiệp và xã hội trước bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt; lại vừa phải tuân thủ những mục tiêu và cơ chế vận hành vĩ mô của Chính phủ.

Mặc dù vậy, bằng việc linh hoạt hoá các chính sách và chủ động điều hành các công cụ tiền tệ bám sát các mục tiêu chủ yếu được lựa chọn theo chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động của ngành Ngân hàng đã đạt được những thành công trong năm qua, thể hiện ở 3 điểm nổi bật.

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về ngân hàng phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển của ngành và lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, nhất là Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật Giám sát an toàn hoạt động ngân hàng cũng như các quy định về ngoại hối, về bảo đảm an toàn, về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, đi đôi với việc củng cố bộ máy tổ chức, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ ngân hàng…

Thứ hai, điều hành khá đồng bộ, hài hòa, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là kết hợp giữa điều hành tỷ giá và lãi suất; kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ngày càng tập trung vốn cho sản xuất, xuất khẩu, phát triển nông nghiệp, nông thôn, mở rộng cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển mạnh công nghệ ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng hoá và nâng cao hơn chất lượng dịch vụ ngân hàng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội, cải thiện đáng kể cơ cấu doanh thu từ các dịch vụ ngoài tín dụng, nâng cao năng lực hoạt động, khả năng cạnh tranh và bảo đảm tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng trong nước

Ngay sau khi có các quyết định của Chính phủ, NHNN đã khẩn trương ban hành các thông tư hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo đẩy mạnh triển khai trong toàn ngành khẩn trương và có hiệu quả cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng sản xuất kinh doanh theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/1/2009, Quyết định số 443/QĐ-TTg ngày 4/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Thành lập Tổ công tác xử lý khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quan hệ tín dụng với ngân hàng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; duy trì đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước để tiếp nhận, xử lý thông tin, khiếu nại tố cáo của người dân và doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất.

Trong các thời điểm khác nhau trong năm 2009, NHNN đã linh hoạt điều chỉnh giảm và tăng các mức lãi suất chủ đạo, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm và tăng lãi suất huy động và cho vay phù hợp mục tiêu điều tiết lượng vốn huy động và cho vay tín dụng theo hướng nới lỏng một cách thận trọng.

Từ đầu tháng 12/2009 trước những biến chuyển mới của thị trường trong nước và thế giới, NHNN đã chủ động và linh hoạt điều chỉnh lãi suất cơ bản lại lên mức 8%/năm sau 10 tháng liên tiếp giữ ở mức 7%/năm (kể từ tháng 2/2009); lãi suất tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tăng từ 7% lên mức 8%/năm và lãi suất tái chiết khấu của NHNH đối với tổ chức tín dụng tăng từ 5%/năm lên mức 6%/năm; biên độ tỷ giá mới giảm từ +/- 5% xuống còn +/-3%, tỷ giá sàn nâng lên là 17.422 và tỷ giá trần là 18.500 VND/USD; tỷ giá bình quân liên ngân hàng cũng sẽ được tăng lên mức 17.961 VND/USD và kịp thời cấp giấy phép tái nhập khẩu vàng …

Thứ ba, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để bảo đảm nhất quán giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; tạo thêm kênh giám sát của xã hội đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng; nâng cao hiệu quả công tác thống kê, dự báo, phản ứng kịp thời trước những diễn biến kinh tế, tiền tệ trong nước và quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế, nâng vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng tài chính, tiền tệ quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách và hoạt động ngân hàng, nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa các tin đồn, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Thực tế cho thấy, bằng một tuyên bố kịp thời, ngắn gọn và rõ ràng của Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu hôm 11/9/2009 về việc NHNN sẽ cấp phép cho nhập khẩu vàng theo nhu cầu thị trường đã có sức mạnh tức thì “cắt sốt”, làm đảo chiều giá vàng trên toàn quốc…

Đặc biệt, đóng góp lớn nhất của chính sách tiền tệ vào sự ổn định và phát triển của đất nước là tiếp tục giữ ổn định thị trường tiền tệ, giảm các chi phí vốn cho doanh nghiệp và cung ứng kịp thời các nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của đất nước trong phạm vi an toàn tín dụng cho phép; từng bước khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới; củng cố niềm tin của nhà đầu tư và của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng và các giải pháp kích cầu của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các công cụ chính sách tiền tệ ngày càng đa dạng, đồng bộ được NHNN điều hành ngày càng linh hoạt, phù hợp cơ chế và bám sát các tín hiệu thị trường cũng như xu thế vận động chung của chính sách tiền tệ thế giới, biểu hiện tập trung rõ nét nhất ở hơn 50 văn bản quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng đã được NHNN ban hành và những kết quả thực tế thu được đáng ghi nhận trong năm 2009.

Theo số liệu của NHNN, tính đến thời điểm cuối năm 2009, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống khoảng 2,46%.

Tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán của cả nước giảm liên tục: Từ mức 23,7% năm 2001, năm 2005 là 19,01%, năm 2006 là 17,21%, năm 2007 là 16,36%, năm 2008 là 14,6% và năm 2009 vẫn duy trì được xu hướng tích cực này.