Diễn biến tích cực của thị trường ngoại tệ 6 tháng đầu năm 2011 (24/6/2011)

Một trong những kết quả nổi bật nhất của thị trường ngoại tệ trong mấy tháng qua là duy trì được sự ổn định. Cùng với sự giảm nhiệt của giao dịch, tỷ giá giao dịch cũng được dần dần hạ xuống. Bắt đầu từ sự “giảm nhiệt” của tỷ giá trên thị trường tự do, làm cho chênh lệch tỷ giá giữa thị trường này so với thị trường chính thức giảm dần xuống, thậm chí có thời điểm còn thấp hơn cả thị trường chính thức- một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua.
Trên thị trường chính thức, trong thời gian qua, tỷ giá giao dịch của các NHTM thường ở mức thấp hơn biên độ tối đa theo quy định ( ±1% so với tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng do NHNN công bố); xen kẽ những ngày tăng, tỷ gia đã có nhiều ngày đứng và nhiều ngày giảm, điều hiếm thấy trước đây, mức giảm lớn nhất so với tỷ giá điều chỉnh ngày 11/2 có lúc lên đến 280 VND/USD.

Khi thị trường tự do bị thu hẹp, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và thị trường chính thức giảm thiểu, tỷ giá cơ bản ổn định và có xu hướng giảm, đã tạo thời cơ để NHNN mua vào ngoại tệ ròng từ đầu năm đến nay. Theo đánh giá gần đây nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã được bổ sung 0,9 tỉ USD,  dự trữ ngoại tệ được cải thiện rõ rệt, một động thái mà từ giữa năm 2008 đến trước tháng 5/2011 chưa thực hiện được. Các doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu bán ngoại tệ cho ngân hàng; bước đầu chuyển dần quan hệ huy động và cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua, bán ngoại tệ giữa ngân hàng với khách hàng; việc niêm yết giá thanh toán, mua bán trực tiếp bằng ngoại tệ đã được thu hẹp. Động thái đưa tiền ra mua ngoại tệ của NHNN còn góp phần cải thiện thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, tạo tiền đề để giảm lãi suất cho vay. Tỷ giá đã ổn định, tốc độ tăng giá tiêu dùng của tháng 5 đã thấp hơn so với tháng 4, báo hiệu xu hướng tiếp tục tăng chậm lại trong các tháng tới.

Một kết quả khác là nhờ thị trường ngoại tệ ổn  định, đã góp phần ổn định thị trường vàng. Giá vàng đã giảm từ đỉnh điểm 38,5 triệu  đồng/lượng, xuống quanh mức 38 triệu đồng/lượng, mặc dù giá vàng thế giới đã mấy lần liên tiếp vượt hết đỉnh điểm này tới đỉnh điểm khác. Giá vàng trong nước đã chuyển từ chỗ thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới sang chỗ thường xuyên thấp hơn giá vàng thế giới. Việt Nam không phải nhập khẩu vàng để ổn định thị trường vàng trong nước, góp phần giảm áp lực nhập siêu.

Kết quả tổng quát của việc ổn định thị trường ngoại tệ  là góp phần vào việc chống Đô-la hóa, vàng hóa nền kinh tế, góp phần vào việc ổn định tâm lý, tạo tiền đề thực hiện việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố và nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia.

Những kết quả tích cực trên đây khẳng định các chủ trương, giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 là rất đúng đắn và kịp thời; đồng thời thể hiện sự phối hợp tích cực và có hiệu quả giữa NHNN với Bộ Công an, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về niêm yết giá bằng ngoại tệ, mua bán ngoại tệ trái phép.

Đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng chưa thể chủ quan, thỏa mãn, bởi thị trường ngoại tệ còn đứng trước những thách thức không nhỏ.

Nhập siêu liên tục tăng lên trong các tháng đầu năm làm cho cán cân thương mại, cán cân thanh toán bị mất cân đối, tạo sức ép lên tỷ giá.  Mặt khác, theo thống kê từ đầu năm đến nay, nguồn ngoại tệ  từ  đầu tư  trực tiếp nước ngoài giảm, nguồn kiều hối sẽ khó tăng cao so với năm trước. Nguồn ngoại tệ từ đầu tư gián tiếp, hỗ trợ phát triển chính thức và khách quốc tế đến Việt Nam có thể tăng, nhưng không có ý nghĩa quyết định.

Tốc độ tăng CPI  tuy đã chậm lại, nhưng vẫn còn cao, nên yếu tố lạm phát vẫn hiện hữu. Người có vốn có thể vẫn chưa hết kỳ vọng vào các nơi “trú ẩn” an toàn, trong đó có ngoại tệ.

Minh Thanh - theo Website NHNN