Chính sách tín dụng NH phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn: Bơm vốn mạnh và rộng hơn và khu vực tam nông

Dự thảo Nghị định về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu soạn thảo vừa được trình Chính phủ. Với những đổi mới trong chính sách tín dụng, Nghị định này được ban hành sẽ có tác động to lớn tới đời sống kinh tế xã hội ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tác động mạnh tới khu vực nông thôn

Trong nhiều cơ chế, chính sách Chính phủ đã ban hành nhằm tăng cường đầu tư vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách tín dụng ngân hàng có vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh vai trò chủ đạo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), các NHTM nhà nước khác, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các NHTMCP và hơn 1.000 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở cũng tích cực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 1998 (trước khi ban hành Quyết định số 67/QĐ-TTg), dư nợ cho vay chỉ có 34.000 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2008 con số này đã đạt gần 250.000 tỷ đồng, tăng hơn 7 lần, tốc độ tăng dư nợ cho vay bình quân 20%/năm. Chỉ tính riêng Agribank, tính đến 31/12/2009, dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn là 242.062 tỷ đồng, chiếm 68,36% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Bước vào năm 2010, Agribank đã dành 10.000 tỷ đồng để đầu tư cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Dự kiến trong quý I/2010, Agribank sẽ tiếp tục bổ sung vốn 3.200 tỷ đồng để đầu tư cho vay các nhu cầu thu mua lương thực, cá tra, cá ba sa, cà phê xuất khẩu. Để tiếp tục khẳng định là tổ chức tín dụng hàng đầu ở khu vực Tam nông, Hội đồng quản trị Agribank vừa ban hành Quyết định số 1469 phê duyệt Đề án "Agribank mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020".

Tín dụng nông nghiệp đã có những đóng góp rất lớn vào việc xóa đói giảm nghèo. Thành tích về xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được coi là hình mẫu và được quốc tế công nhận. Vụ trưởng Vụ Lao động, Văn hoá - Xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Quang Thắng cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam giảm nhanh. Ước cuối năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo cả nước chỉ còn 11% so với mức 20% tại thời điểm cuối năm 2005, hoàn thành sớm mục tiêu trước một năm so với kế hoạch mà Quốc hội đặt ra cho giai đoạn 2006 - 2010.

Sẽ còn tác động lớn hơn

Theo các chuyên gia ngân hàng, Nghị định về tín dụng nông nghiệp ban hành lần này nhằm đạt được hai mục tiêu chính: Tạo cơ chế phù hợp để các TCTD chuyển vốn nhiều hơn về cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo cơ chế cho vay thương mại với lãi suất phù hợp; có chính sách để khách hàng dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thông qua việc đơn giản hoá thủ tục, giảm bớt những điều kiện kém lợi thế cho khách hàng… và có chính sách hỗ trợ nông dân khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.

Theo cơ chế tín dụng hiện tại thì việc cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các hợp tác xã (HTX) và chủ trang trại giới hạn ở mức từ 30 đến 50 triệu đồng, cá biệt có thể đến 100 triệu đồng và 500 triệu đồng (đối với HTX có hợp đồng xuất khẩu). Với quy định mới trong dự thảo Nghị định, các hộ sản xuất ngành nghề có thể vay tối đa không có tài sản bảo đảm lên tới 200 triệu đồng và các HTX, chủ trang trại có thể vay tối đa không có tài sản bảo đảm đến 500 triệu đồng, hộ nông dân được xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa đến 50 triệu đồng (chính sách hiện hành 10 triệu đồng). Cơ chế này sẽ tạo thêm động lực cho hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề, hợp tác xã và các chủ trang trại, hộ nông dân có thể mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua nguồn vốn vay ngân hàng.

Nghị định cũng mở rộng thêm nhiều đối tượng so với Quyết định 67/1999/QĐ-TTg. Việc các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh hoặc cung ứng các dịch vụ nông nghiệp ở nông thôn đều được hưởng các chính sách theo Nghị định sẽ có tác động lớn, thúc đẩy tích cực việc đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực và tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ đạo, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, thì việc mở rộng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ trang trại, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hộ gia đình vay vốn để sản xuất sẽ tác động tích cực tới việc củng cố và mở rộng các sản phẩm xuất khẩu hiện có (như gạo, thủy hải sản, cà phê, cao su...) đồng thời mở rộng thêm các sản phẩm có thế mạnh khác ở Việt Nam.

Có thể nói, Nghị định mới về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn sẽ có tác động to lớn, tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân ở khu vực nông thôn. Và đây sẽ là chính sách hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
 
An Lan - Vietstock