Ngân hàng Việt khởi động những thương vụ của thập kỷ
Sau giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2009, đến nay cơ hội mới thực sự dần mở ra qua những thương vụ lớn các ngân hàng đang khởi động.
Ngày 28/6, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) bắt đầu thực hiện lấy ý kiến cổ đông, chuẩn bị triển khai kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế.
Cùng thời điểm, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng tiến hành lấy ý kiến cổ đông, cho kế hoạch chuẩn bị phát hành tới 1,12 tỷ USD trái phiếu quốc tế dự kiến trong năm 2019 và 2020.
Phải sau cả thập kỷ, hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng Việt mới nhen nhóm trở lại, cũng như đã có những thay đổi căn bản so với trước.
Thời điểm được lựa chọn
Năm 2005, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế. 750 triệu USD huy động thành công, với lãi suất 7,125%/năm. Hướng đi mới trong tìm vốn được mở ra.
Nối tiếp, các đợt phát hành vào năm 2010 và 2014 cho kết quả tốt hơn so với mong đợi (có lãi suất thấp hơn dự kiến). Và năm 2016, từng có kế hoạch phát hành lên tới 3 tỷ USD được đặt ra.
“Cùng với việc Fitch nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc (từ B+ lên BB-) và Moody (từ B2 lên B1), thành công của đợt phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế lần này đã giúp thiết lập mức lãi suất chuẩn thấp hơn nhiều so với trước”, một bình luận từ Bộ Tài chính đưa ra sau khi cơ quan này phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế năm 2014.
Để ý, yếu tố tín nhiệm quốc gia được nhấn mạnh trong bình luận trên. Sau khi được nâng, Việt Nam đã xem đó như một trong những điều kiện thuận lợi để triển khai. Hạng mức tín nhiệm quốc gia vẫn là một trong những yếu tố cấu thành “đắt, rẻ” của lãi suất khi phát hành.
Năm 2005, khi lần đầu tiên tiến hành, nhiều tổ chức trong và ngoài nước cũng từng so sánh rất chi tiết về yếu tố này, đặc biệt khi đó có đối chiếu cụ thể với trường hợp của Mexico để lường tính lãi suất trước khi phát hành…
Chính phủ mở đường, doanh nghiệp theo sau. Nhưng phải sau cả thập kỷ, đến nay các kế hoạch cụ thể với sự tham gia của các ngân hàng thương mại Việt Nam như phương án 200 triệu USD của TPBank, 1,12 tỷ USD của VPBank nói trên mới thực sự đánh dấu những thương vụ lớn khi “ra khơi tìm vốn”.
Trong cả thập kỷ đó, thị trường toàn cầu từng rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009. Tại Việt Nam, hệ thống các ngân hàng thương mại vào giai đoạn chao đảo 2010 - 2011 sau đó, rồi đến những năm quyết liệt tái cơ cấu.
Đến nay, những thương vụ lớn trên mới bắt đầu khởi động. Yếu tố thời điểm được chú ý.
Sau Fitch và Moody’s, phải đến đầu tháng 4 vừa qua Standard&Poor’s mới quyết định nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam, sau 9 năm, cũng gần một thập kỷ.
Nếu tính từ thời điểm bắt đầu triển khai tái cơ cấu là năm 2011, thì cũng phải sau 8 năm Việt Nam mới có những ngân hàng đạt chuẩn Basel II. Hai trường hợp trên, TPBank và VPBank cũng là những thành viên đầu tiên vừa đạt chuẩn này.
Như với hạng mức tín nhiệm quốc gia được nâng lên, bản thân ngân hàng nâng chuẩn hoạt động theo thông lệ quốc tế, điều kiện để phát hành trái phiếu quốc tế theo đó đã thuận lợi hơn nhiều so với trước. Điều này tạo cơ hội có thể có được chi phí - lãi suất dễ chịu hơn.
Mặt khác, cũng thời điểm này, triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( Fed ) lần đầu tiên giảm lãi suất sau 11 năm được đặt ra. Đây cũng là một tín hiệu mới đặt ra sau cả thập kỷ, có ảnh hưởng đến lãi suất và chi phí đi vay qua trái phiếu quốc tế của ngân hàng Việt.
“Đặt cược” với rủi ro tỷ giá
Thực ra trái phiếu quốc tế của ngân hàng Việt không mới. Chỉ là thời điểm này nó thắp lên kỳ vọng tạo khác biệt lớn, cả về quy mô lẫn lãi suất đi vay.
Năm 2012, Ngân hàng Công thương Việt Nam ( VietinBank ) phát hành trái phiếu quốc tế với quy mô khá lớn, 250 triệu USD, kỳ hạn 5 năm và niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore. Huy động thành công, nhưng “cái giá” cụ thể ở lãi suất cố định lên tới 8%/năm, và phải đến tháng 5/2017 mới đáo hạn.
Nay, những thương vụ của thập kỷ đang khởi động, với điều kiện thuận lợi hơn nói trên (hạng mức tín nhiệm quốc gia được nâng lên, các ngân hàng triển khai đã đạt chuẩn Basel 2, và triển vọng Fed giảm lãi suất đang đặt ra), lãi suất trái phiếu quốc tế của TPBank và VPBank tới đây sẽ là một “phép thử” đáng chú ý, có triển vọng thấp hơn nhiều so với mức 8%/năm mà VietinBank phải trả những năm trước.
Như trên, phải mất cả thập kỷ các ngân hàng Việt Nam mới dần có được những điều kiện thuận lợi hơn. Là trung gian tài chính, khi điều kiện thuận lợi hơn, có cơ hội tìm vốn chi phí tốt để kinh doanh tốt thì họ chọn. Nhưng tất nhiên phải cân đối rủi ro.
Trong nước, thực tế đầu tiên là huy động ngoại tệ không còn như trước. Cơ chế trần lãi suất tiền gửi USD áp 0%/năm những năm qua và hiện nay. Tiền gửi ngoại tệ cũng giảm nhanh trên cơ cấu huy động nhiều ngân hàng và toàn hệ thống nói chung. Trong khi nhu cầu tín dụng ngoại tệ vẫn là một kênh thường trực. Ngay cả phát hành trái phiếu quốc tế, về chuyển đổi thành VND để kinh doanh cũng là một lựa chọn.
Ngân hàng có các tính toán cân đối vốn, kinh doanh để có lãi từ nguồn vốn đó, bên cạnh mục đích kê vốn cấp 2 nâng hệ số an toàn vốn (CAR) như được nêu cụ thể ở trường hợp TPBank. Còn lại, một yếu tố rủi ro là biến động tỷ giá.
Những năm gần đây, tỷ giá USD/VND thay đổi khoảng 2% mỗi năm. Sự ổn định đó có tiếp tục nối dài những năm tới hay không? Chắc chắn những ngân hàng đang và dự tính đi theo hướng gọi vốn trên phải tính toán.
Còn hiện tại, những diễn biến mới và bối cảnh của những căng thẳng thương mại giữa Mỹ với nhiều quốc gia, xu hướng của bảo hộ thương mại nội địa nổi lên…, tỷ giá nói chung và tỷ giá USD/VND nói riêng đang và sẽ trở thành vấn đề quan trọng, đặc biệt gắn với sự thận trọng trong chính sách điều hành.
Như một bài viết BizLIVE đề cập vừa qua, tỷ giá có thể trở thành “con tin” giữa các bên trong những căng thẳng thương mại đó. Và với riêng Việt Nam, vừa qua Mỹ đã đưa vào danh sách giám sát, cũng như vấn đề cân bằng thương mại giữa hai nước cũng đang được chú ý.