Vì sao các ngân hàng đua nhau miễn phí dịch vụ?

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Vietcombank, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXV

Miễn, giảm nhiều loại phí dịch vụ

Nằm trong khu vực phong tỏa y tế nên gần 2 tháng nay, gia đình chị Lê Hường ở Bình Tân, TP Hồ Chí Minh hoàn toàn chuyển sang mua sắm, thanh toán trực tuyến và giao tận nhà để hạn chế tiếp xúc. Tiện lợi là vậy, nhưng chị Hường vẫn thấy băn khoăn khi phí chuyển khoản liên ngân hàng của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) còn quá cao.

Qua giới thiệu, chị Hường được một người bạn là nhân viên ngân hàng hướng dẫn đăng ký gói tài khoản Smart của Vietinbank. Với gói này, chị chỉ cần duy trì số dư tài khoản thanh toán bình quân mỗi tháng từ 2 triệu đồng trở lên hoặc trả phí duy trì gói 15.000 đồng/tháng thì sẽ được miễn các loại phí như phí duy trì tài khoản thanh toán, phí duy trì VietinBank iPay, phí duy trì dịch vụ biến động thông tin tài khoản qua tin nhắn, phí giao dịch chuyển khoản trong và ngoài hệ thống.

“Trước đây, thỉnh thoảng tôi mới thực hiện chuyển khoản liên ngân hàng nên ít để ý phí dịch vụ. Bây giờ mua một mớ hành, bịch rau cũng thanh toán chuyển khoản. Nếu vẫn phải trả phí chuyển khoản liên ngân hàng thì chi phí tính ra rất lớn, vì phí thường tới 7.700 - 9.900 đồng/lượt giao dịch, chưa kể các loại phí duy trì khác. Do đó, việc các ngân hàng triển khai các gói miễn phí dịch vụ là rất kịp thời vào lúc này và cũng là cách để chúng tôi gắn bó hơn với ngân hàng”, chị Hường chia sẻ.

Trên thực tế, gói tài khoản Smart được Vietinbank triển khai từ cuối năm 2020 khi đã thấy rõ tác động tiêu cực của dịch bệnh. Không chỉ riêng Vietinbank, sang quý I/2021, hầu hết các ngân hàng đều có chính sách miễn phí giao dịch hoặc tính phí 0 đồng khi khách hàng đăng ký gói dịch vụ nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng như hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Mới đây, đầu tháng 8/2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ áp dụng trên giao dịch ATM, POS xử lý qua Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ngay sau chỉ đạo này, NAPAS đã công bố lần giảm phí thứ hai trong năm 2021 với mức giảm từ 50% đến 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành và nhận được sự hưởng ứng của hàng loạt ngân hàng thương mại.

Đơn cử như Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) công bố miễn 100% phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống không giới hạn, chuyển tiền nhanh tài khoản và số thẻ miễn phí dành cho tất cả khách hàng cá nhân đang sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán thông thường hoặc mở mới gói HDBank Sky One.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), khách hàng doanh nghiệp được miễn phí dịch vụ chi lương 3 năm, miễn phí quản lý tài khoản, ngân hàng điện tử, SMS báo giao dịch tự động, chuyển tiền, nộp thuế trực tuyến...

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 kéo dài, một số ngân hàng thương mại còn mở rộng dịch vụ được miễn phí để hỗ trợ thêm cho khách hàng. Theo đại diện Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank), ngân hàng sẽ không thu phí chậm thanh toán thẻ tín dụng trong trường hợp chủ thẻ thanh toán thẻ trễ hạn trong 3 kỳ sao kê từ tháng 7 - 9/2021. Điều này nhằm góp phần chia sẻ, hỗ trợ khách hàng đang gặp nhiều khó khăn về tài chính cũng như gặp nhiều sự cố bất ngờ không thể thanh toán thẻ đúng thời hạn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài.

Chị N.Tâm, ở Quận 3, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, gia đình chị kinh doanh nhỏ lẻ, nhưng hơn 1 tháng nay cửa hàng phải đóng cửa để phòng, chống dịch nên hầu hết các khoản chi đều dùng thẻ tín dụng để thanh toán. Do không có thu nhập nên rất sợ trễ hạn thanh toán thẻ dụng, nhưng rất may được Nam A Bank thông báo không thu phí chậm thanh toán trong 3 tháng dịch đỉnh điểm này khiến gia đình yên tâm hơn.

Thực tế chính sách miễn phí dịch vụ còn được các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như: Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)… triển khai sớm hơn, trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Đây được xem như cách để các ngân hàng giữ chân khách hàng, song cũng mang lại lợi ích không nhỏ cho chính các ngân hàng.