Sẵn sàng cho kỷ nguyên số: 4 yếu tố các ngân hàng cần chuẩn bị
(ĐTCK) Báo cáo Toàn cảnh Pháp quy toàn cầu năm 2019 của EY đã đưa ra những yếu tố mà các ngân hàng nên cân nhắc trên hành trình định hướng khuôn khổ quản trị rủi ro và tuân thủ thế kỷ XXI.
Các cơ quan quản lý trên toàn cầu đang có xu hướng chuyển mối quan tâm từ cải cách hậu khủng hoảng sang nhóm các rủi ro và trọng tâm mới nổi. Những chương trình giám sát và xây dựng chính sách đang được họ xem xét một cách cẩn thận trước sự xuất hiện của một loạt các nhân tố đột phá mới có khả năng tác động mạnh mẽ tới cách các ngân hàng hoạt động.
Các vấn đề đang được quan tâm hàng đầu bao gồm quyền sử dụng và quyền sở hữu dữ liệu, giới hạn của các quy định pháp lý và các vấn đề địa chính trị có ảnh hưởng đến các điều kiện thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư trên thị trường.
Báo cáo toàn cảnh của EY đưa ra bốn lĩnh vực trọng tâm các ngân hàng và cơ quan quản lý cần cân nhắc trên hành trình hướng tới một khuôn khổ quản trị rủi ro và tuân thủ được số hóa, phù hợp với chủ đích.
Tinh chỉnh các vấn đề quá khứ và rủi ro mới
Những ngân hàng lớn nhất thế giới đã cải thiện đáng kể vị thế vốn và thanh khoản sau khủng hoảng tài chính. Quá trình hoàn thiện Basel III vẫn được tiếp tục, với trọng tâm là đánh giá tác động thay vì tiếp tục đưa ra những cải cách về vốn và thanh khoản.
Mặc dù đã có nhiều tiến triển trong việc giải quyết các vấn đề rủi ro có tính hệ thống trọng yếu, cũng như tính minh bạch trong thị trường tài chính phái sinh, tuy nhiên vẫn còn cả một chặng đường dài để hoàn thiện.
Các ngân hàng, cơ quan quản lý và chính phủ sẽ cần cân bằng giữa việc tinh chỉnh những vấn đề còn tồn tại từ quá khứ và quá trình triển khai khung quản trị rủi ro mới.
Bốn lĩnh vực các ngân hàng cần quan tâm trong năm 2019
Một là tái cấu trúc và xây dựng các quy trình mới
Các biện pháp tái cấu trúc quy chế quản lý nền tảng được tiếp tục tiến hành. Tuy nhiên, thách thức hiện tại là làm thế nào để thực hiện quá trình phục hồi và hành động trên thực tế, trong khi phải đảm bảo rằng các tổ chức tài chính vẫn đáp ứng được các yêu cầu hoạt động liên tục. Các vấn đề quá khứ khi được chuyển sang thời kỳ mới vẫn nên được coi là trọng tâm. Đa số các vấn đề này liên quan tới khả năng phục hồi hoạt động và duy trì hoạt động liên tục.
Sự thay đổi từ lãi suất liên ngân hàng (IBOR) sang lãi suất tham chiếu thay thế (ARR) là một phần quan trọng trong cải cách hệ quy chiếu toàn cầu. Đây là một tiến triển kỹ thuật khá cụ thể, tuy nhiên nó sẽ tác động đến tất cả các khía cạnh hoạt động của ngân hàng như giao dịch, ngân quỹ, cho vay, kế toán, tài chính, pháp lý, tuân thủ và nhiều hơn nữa. Việc chuyển đổi sẽ là một nỗ lực đáng kể của các ngân hàng có liên quan mật thiết với các sản phẩm và hợp đồng gắn với IBOR.
58% trong số những người tham gia khảo sát rủi ro ngành ngân hàng hàng năm của EY coi mức độ chấp nhận của thị trường và thanh khoản đối với các sản phẩm phái sinh dựa trên ARR là rủi ro tiềm ẩn chính trong quá trình thay thế IBOR.
Hai là tăng cường quản trị và khả năng phục hồi hoạt động
Thời đại chuyển đổi kỹ thuật số đã đưa đến nhiều vấn đề cần sự quan tâm sâu sắc hơn, ví dụ gia tăng mối đe dọa về các cuộc tấn công mạng, những khó khăn nội bộ trong việc thay thế các hệ thống công nghệ thông tin và nhân viên hỗ trợ, sự thiếu nhất quán của các biện pháp quản trị rủi ro và thiếu khả năng tổng hợp dữ liệu.
Những công nghệ và sản phẩm mới đang thử nghiệm tính hiệu quả của các quy trình hiện có. Các công ty cần tập trung tăng cường khả năng phục hồi hoạt động, cải thiện các tiêu chuẩn đánh giá sức chịu đựng (stress-testing), xem xét lại phạm vi ảnh hưởng (đặc biệt là khi những ảnh hưởng này liên quan đến khách hàng) và tinh lọc các chỉ số đánh giá hiệu quả. Việc có một khung quản trị rủi ro mạnh do bên thứ ba phát triển có thể đáp ứng nhu cầu thuê hay mua ngoài sẽ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Giao dịch viên phải được đào tạo đầy đủ về quản trị rủi ro, cùng với sự hướng dẫn và hỗ trợ từ các cán bộ tuân thủ. Các nhà quản lý sẽ mong muốn các ngân hàng coi khả năng phục hồi hoạt động như một ưu tiên chiến lược, song hành cùng với khả năng phục hồi tài chính. Hội đồng quản trị nên suy nghĩ theo hướng “Vì điều này có khả năng xảy ra, nên chúng ta hãy chuẩn bị sẵn sàng cho nó”.
Ba là quản lý và bảo vệ dữ liệu
Ngân hàng là một ngành dựa trên dữ liệu. Các nhà băng cần có dữ liệu kịp thời, chính xác, hiệu quả và khách hàng thì mong đợi các công cụ giao tiếp thân thiện với người dùng. Trong khi đó, các nhà đầu tư và thị trường đòi hỏi khả năng truy cập lớn hơn và minh bạch hơn.
Trong tương lai, các ngân hàng sẽ cần quản lý dữ liệu tốt hơn và cũng phải đối mặt với các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về quyền riêng tư dữ liệu.
Hiện tại, các ngân hàng đã đầu tư đáng kể vào việc lưu trữ và tăng khả năng truy cập dữ liệu, tuy nhiên họ cần quan tâm nhiều hơn tới kiến trúc dữ liệu, khả năng phân tích và phát triển khung bảo mật dữ liệu tích hợp đáp ứng đầy đủ các quy tắc quản trị rủi ro.
93% các ngân hàng được khảo sát trong khảo sát rủi ro ngành ngân hàng hàng năm của chúng tôi cho biết, cải thiện chất lượng dữ liệu là ưu tiên quản trị rủi ro hàng đầu trong 3 năm tới.
Bốn là xác định các động cơ của hành vi sai trái
Các nỗ lực cải thiện văn hóa và đạo đức trong ngành sẽ không thể hoàn toàn hiệu quả nếu không có khung trách nhiệm. Thách thức thực sự ở đây nằm ở việc thay đổi từ cách thức “ban hành từ trên xuống” sang thiết lập văn hóa và hành vi tích cực trong toàn tổ chức.
Hành trình tới tuân thủ tốt hơn
Các ngân hàng cần quản lý và lường trước những rủi ro mới. Chuyển đổi kỹ thuật số sẽ giúp ích, nhưng theo khảo sát quản trị rủi ro ngành ngân hàng hàng năm của EY, các nhà quản trị rủi ro cần phải nhanh chóng bắt kịp và triển khai những công nghệ mới này.
Nhu cầu về trách nhiệm đang dần mở rộng. Các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị, đặc biệt là chương trình xây dựng tài chính bền vững phải trở thành những yếu tố chính trong quá trình hoạch định chiến lược và lập hồ sơ rủi ro. Thay đổi là điều cần thiết, nhưng nó có thể và nên được khuyến khích từ trên xuống.
Ở cấp độ quản lý, đa dạng về nhân lực đang trở thành mong muốn của cơ quan quản lý, cũng như một nhu cầu thiết yếu của hoạt động ngân hàng. Những cá nhân có kiến thức vượt ra ngoài phạm vi về rủi ro tài chính và quy định sẽ được sử dụng trong công tác quản trị doanh nghiệp và giám sát rủi ro một cách sâu rộng hơn.
Đã đến lúc các nhà quản lý đưa ra khung quản lý và quản trị rủi ro có khả năng liên kết tốt hơn, có dữ liệu với chất lượng được cải thiện và các mô hình kinh doanh mới có thể mang lại kết quả về thị trường và khách hàng tốt hơn. Mục đích ở đây là để các bên liên quan đánh giá các tác động rủi ro trên các quyết định hoạt động, chiến lược và kinh doanh trong chuỗi giá trị, bao gồm vòng đời sản phẩm, tiếp thị, phân khúc khách hàng, định giá và thù lao.
Nếu hội đồng quản trị và quản lý cấp cao chủ động hơn trước viễn cảnh tương lai, phát triển các kỹ năng phù hợp và tạo ra những cách thức làm việc mới, họ có thể đưa ra các khung tuân thủ và quản trị rủi ro linh hoạt và hiệu quả hơn với các công nghệ mới, nâng cao bộ máy quản trị và tạo ra nhiều vị trí đòi hỏi những kỹ năng mới.