Ngân hàng cùng trung gian thanh toán cảnh báo, giúp khách hàng tránh "mất tiền" mùa dịch
Lợi dụng việc nhu cầu giao dịch, thanh toán qua ngân hàng điện tử và các ứng dụng ngân hàng của người dân tăng cao do dịch COVID-19, các đối tượng tội phạm đã gia tăng sử dụng chiêu thức nhằm giả mạo ngân hàng, lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân. Vì vậy, nhiều ngân hàng đã liên tục phát đi cảnh báo để khách hàng đề cao cảnh giác, tránh bị mắc bẫy lừa đảo.
Tin nhắn, đường link mạo danh “tấn công” người dùng
Theo phản ánh của người dân, gần đây họ liên tục nhận được tin nhắn được cho là giả mạo các ngân hàng gồm những nội dung khơi gợi sự tò mò, nghi ngờ... nhằm mục đích lừa người dùng nhấp vào đường link, đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Chị Tống Khánh Linh (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho biết, ngày 27/7 chị nhận được tin nhắn có thương hiệu gần giống ngân hàng mà mình hay giao dịch thông báo trúng thưởng trong một chương trình khuyến mại và yêu cầu click vào đường link để xác nhận.
Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau chị tiếp tục nhận được tin nhắn thông báo tài khoản ngân hàng của chị đã bị khoá, đề nghị chị nhập vào đường link tương tự như tin nhắn trước đó để xác thực thông tin. Nhận thấy có điều bất thường chị đã gọi điện đến tổng đài của ngân hàng để thông báo và nhận tư vấn bảo vệ thông tin tài khoản.
Cũng trong tình trạng bị tin nhắn mạo danh ngân hàng “tấn công”, anh Việt Trung (TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) cho biết, anh nhận được tin nhắn có nội dung thông báo đã đăng ký dịch vụ ngân hàng toàn cầu, mỗi tháng thu phí 12 triệu đồng. Nếu không phải bạn đăng ký, vui lòng vào đường link để hủy. Đáng nói là cùng lúc đó, anh cũng nhận được tin nhắn cảnh báo từ ngân hàng mình đang sử dụng yêu cầu không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, OTP qua SMS, tuyệt đối không bấm vào đường link…
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia (NAPAS) cho rằng, để hạn chế tiếp xúc trực tiếp, phòng chống sự lây nhiễm của dịch bệnh, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân chuyển sang chi tiêu, mua sắm trực tuyến nhiều hơn và thanh toán điện tử thay vì sử dụng tiền mặt như trước kia.
Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng của thanh toán không dùng tiền mặt trong mùa dịch, vấn đề đặt ra cho các đơn vị cung ứng dịch vụ là việc đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán. Đáng lưu ý, thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng các chiêu thức, thủ đoạn mới. Nhằm có được thông tin tài khoản của khách hàng, các đối tượng lừa đảo đã giả mạo cơ quan công an, nhân viên ngân hàng, nhà mạng,.. hoặc gửi đường link lạ qua email, tin nhắn, mạng xã hội để dụ khách hàng truy cập và cung cấp thông tin tài khoản cho các đối tượng này, sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Bên cạnh đó, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho rằng, vấn đề giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS brand name) để chiếm đoạt tài sản nguy hiểm ở chỗ tin nhắn đó trùng với thương hiệu ngân hàng. Nguyên nhân có thể tin tặc đã đánh cắp dữ liệu hoặc kẻ xấu sử dụng bộ phát sóng của nhà mạng để gửi thông tin đến cho người dân, khách hàng.
Tăng giải pháp bảo vệ khách hàng giao dịch thanh toán
Trước tình trạng này, hàng loạt các ngân hàng đã liên tục phát đi nhiều cảnh báo. Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, thủ đoạn của kẻ gian thường là gửi email thông báo khách hàng nhận được một khoản tiền và đính kèm xác nhận thanh toán, yêu cầu khách hàng truy cập vào file đính kèm hoặc link có chứa mã độc. Kẻ gian mạo danh tin nhắn Vietinbank yêu cầu khách hàng cập nhật tài khoản hết hạn mật khẩu, mở khóa tài khoản, nâng cấp hệ thống, đăng nhập để nhận quà... kèm đường link lừa đảo. Khi khách hàng truy cập vào và cung cấp thông tin sẽ bị đánh cắp tài khoản và bị chiếm đoạt tiền…
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không truy cập các đường link có sẵn trong tin nhắn, email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Không cung cấp các thông tin giao dịch như tên đăng nhập, mật khẩu, OTP, mã PIN Soft Token, mã kích hoạt, mã CVV2 in tại mặt sau thẻ và các thông tin cá nhân khác thông qua bất kỳ hình thức nào và cho bất kỳ ai.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán về việc tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán cũng như giáo dục kiến thức, kỹ năng giao dịch tài chính an toàn và cảnh báo khách hàng nâng cao cảnh giác phòng tránh các thủ đoạn tội phạm mới. Đây là vấn đề ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống ngân hàng bởi lẽ bất kì rủi ro nào trong hoạt động thanh toán đều không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Không dừng lại ở đó, nhiều ngân hàng mạnh tay đầu tư để tăng cường bảo mật, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản phẩm, dịch vụ như giải pháp định danh khách hàng trực tuyến eKYC, nhận dạng dữ liệu sinh trắc học, vân tay, nhận diện khuôn mặt, ký tự quang học…
“Với vai trò là đơn vị kết nối, cung cấp hạ tầng thanh toán cho các ngân hàng, trung gian thanh toán và đối tác, NAPAS luôn chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chí khắt khe về an toàn, bảo mật thông tin của các tổ chức quốc tế; duy trì hệ thống vận hành an toàn ổn định và thông suốt; đưa ra các khuyến cáo khách hàng trước những phương thức lừa đảo mới, góp phần đảm bảo ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của người dân”, ông Nguyễn Hoàng Long nói.
Trước những chiêu thức lừa đảo mới, ông Nguyễn Hoàng Long khuyến cáo, khách hàng cần tỉnh táo, sáng suốt để bảo vệ quyền lợi của mình và cảnh giác với các vụ việc lừa đảo trong hoạt động thanh toán. Khách hàng có thể liên hệ đến số điện thoại liên lạc chính thức của các ngân hàng nơi mở tài khoản để kịp thời kiểm tra, xác minh thông tin nếu nghi ngờ các giao dịch giả mạo.