Vietcombank dẫn đầu Top 10 ngân hàng Việt uy tín nhất, “gương mặt” mới xuất hiện gọi tên TPBank
TOP 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019 của Vietnam Report công bố có sự khác biệt đáng kể so với cách đây 1 năm.
Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019 vừa được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố.
Theo đó, các ngân hàng lọt vào danh sách này lần lượt là Vietcombank, VietinBank, Techcombank, BIDV, MBBank, VPBank, Agribank, ACB, TPBank, SHB.
So với danh sách của năm trước, Top 10 năm nay ghi nhận gương mặt mới là TPBank, thay vì Sacombank như năm 2018. Ngoài ra, BIDV bị tụt một hạng xuống vị trí thứ 4, nhường lại vị trí thứ 3 cho Techcombank.
Ngoài ra, Vietnam Report cũng công bố danh sách Top 10 ngân hàng TMCP tư nhân uy tín năm 2019 với sự dẫn đầu là Techcombank. Tiếp đó là các ngân hàng như: VPBank, ACB, TPBank, SHB, HDBank, Sacombank,VIB, MSB và SCB.
Thứ nhất, NHNN thể hiện rõ hơn trong vai trò điều tiết tín dụng khi can thiệp có kiểm soát và vẫn giữ được tính thị trường. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 2018 thấp hơn so với các năm trước (khoảng trên 30% trong những năm 2000), đạt mức 14% và khả năng cao sẽ tiếp tục duy trì ở mức 14% - 15% trong năm 2019. Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng tính đến hết ngày 31/5, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018.
Thứ hai, tình hình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 117,8 nghìn tỷ đồng. Nợ nhóm 2 của các ngân hàng có xu hướng giảm trong năm 2018 và giảm áp lực trích lập trong năm 2019.
Thứ ba là vấn đề tăng vốn điều lệ của các ngân hàng. Vốn điều lệ của toàn hệ thống tính đến tháng 3/2019 đạt 578,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,45% so với cuối năm 2018 và tăng 63,5% so với cuối năm 2011. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 792,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2018 và 20,1% so với cuối năm 2017.
Theo Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020", Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng vốn điều lệ để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các NHTM nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần.