Hết thời đồng tiền đi liền túi tiền mà... sẽ đi vào thẻ
Bạn đọc của báo Tuổi Trẻ tin thông qua các hoạt động trong sự kiện Ngày không tiền mặt mà báo Tuổi Trẻ khởi xướng, thói quen không dùng tiền mặt trong cuộc sống của người Việt Nam sẽ ngày càng phổ biến, và đây là xu hướng tất yếu.
Bạn đọc Hồ Bảo nhận giải nhất sáng tác slogan hưởng ứng "Ngày không tiền mặt" trị giá 50 triệu đồng từ đại diện Ban biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thông qua hai cuộc thi sáng tác slogan và diễn đàn "Ngày không tiền mặt", báo Tuổi Trẻ thu hút rất nhiều tác phẩm gửi về dự thi. Các cuộc thi đã giúp lan truyền thông điệp không dùng tiền mặt đến với người dân một cách gần gũi, dễ nhớ.
Anh Hồ Bảo, sinh viên năm 3 ĐH Mở TP.HCM - giải nhất cuộc thi sáng tác slogan, chia sẻ ban đầu mình quyết định dự thi để cổ vũ cho một thói quen tiêu dùng mới, ủng hộ xu hướng thanh toán văn minh chứ không đặt mục tiêu bản thân sẽ có một giải thưởng lớn nào đó.
Vì vậy lúc nghe ban tổ chức gọi tên với phần thưởng 50 triệu đồng, anh đã bị "đứng" người, không kịp phản ứng gì. "Đây là khoản tiền lớn và tôi sẽ dùng nó để trả học phí và tiền học Anh văn", chàng sinh viên khoa luật nói.
Gửi đến cuộc thi câu slogan "Tắt tiền mặt, bật văn minh", Bảo cho biết đã nghiên cứu khá kỹ các tiêu chí mà cuộc thi đưa ra. Nhưng quan trọng hơn, câu slogan này là đúc kết từ trải nghiệm bản thân mình.
"Hiện nay, phần lớn các chi tiêu của bản thân đều chuyển khoản, từ đóng học phí đến mua sắm các mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống. Ban đầu xài thẻ, hay mở tài khoản e-banking vì ưu đãi, khuyến mãi dần thì tiện lợi và thành thói quen.
Tôi mong muốn một ngày không xa, Việt Nam cũng sẽ không dùng tiền mặt, bắt kịp với xu hướng phát triển đà văn minh của thế giới", Bảo chia sẻ sau buổi nhận giải.
Chị Lê Ngọc Hạnh (giữa) và thầy giáo Nguyễn Hữu Nhân tại buổi trao giải thưởng cuộc thi diễn đàn Không dùng tiền mặt - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Với thầy Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp), một trong hai tác giả đoạt giải của cuộc thi diễn đàn "Không dùng tiền mặt", đây là một trải nghiệm khó quên.
Khi chia sẻ câu chuyện đi mua điện thoại mà không biết thẻ ATM cũng có thể thanh toán được, thầy Hữu Nhân thừa nhận cũng có người chê "thầy giáo mà không biết xài thẻ ATM", nhưng đó là sự thật.
"Không biết thì học thêm, không có gì xấu hổ". Tôi nghĩ đó không chỉ là câu chuyện của tôi mà rất nhiều người ở địa phương, vùng nông thôn", thầy giáo chia sẻ.
Theo thầy Nhân, hầu như ở nơi mình sống ai cũng có thẻ ATM để nhận lương, nhưng đến tháng là rút một cục đem về nhà cất và chi tiêu dần. Thẻ ATM hay Internet banking còn xa lạ trong các giao dịch hàng ngày, ngay cả chuyện nộp học phí, phụ huynh vẫn cứ rút tiền đóng cho trường, trường cầm cọc tiền sang đóng lại cho kho bạc, rủi ro trong kiểm đếm rất cao, lại phiền phức, tốn thời gian.
Chủ trương không tiền mặt rất đúng, không chỉ người trẻ hưởng ứng mà người lớn tuổi cũng nên tiếp cận và hoàn toàn có thể tiếp cận được.
"Tôi tin nếu biết về thẻ ATM hay e-banking thì không người mua hàng nào phải rút 200.000 đồng để đi mua hàng siêu thị hay nửa đêm không biết xử trí sao khi điện thoại hết tiền. Ngày xưa, người ta nói "đồng tiền liền khúc ruột" nhưng nếu hiểu hết các ứng dụng mà một chiếc thẻ có thể mang lại, mọi người sẽ nghĩ khác", thầy Nhân tin tưởng.
Còn chị Lê Ngọc Hạnh (Bình Dương) cho rằng ở góc nhìn người dùng, chị nhận thấy nhiều người vẫn đang thiếu thông tin về cách sử dụng các dịch vụ ngân hàng cũng như thẻ thanh toán. Rất nhiều người vẫn thích dùng tiền mặt và thói quen này đã tồn tại lâu nay vì họ không biết được các lợi ích của sử dụng thẻ.
Trong khi còn tâm lý ngần ngại thì một vài thông tin về mất tiền, giao dịch bị hack, khách không đợi xử lý... khiến những người ít hiểu biết về công nghệ, tài chính càng lại lo lắng, "phòng thủ" hơn.
Nhưng qua những cuộc thi do báo Tuổi Trẻ tổ chức, các kiến thức tài chính, ngân hàng được đưa đến với nhiều người. "Như tôi đã thuyết phục được thêm bạn bè mình đi mở tài khoản ngân hàng và trải nghiệm tiện ích của dịch vụ thẻ", chị Hạnh vui vẻ khoe.