'Tốt nghiệp' Basel II: Giờ G sắp điểm
Dù chỉ còn 1 năm nữa là tới thời hạn chót 10 ngân hàng được thí điểm triển khai Basel II thành công, nhưng hiện số ngân hàng “tốt nghiệp” Basel II chỉ mới được hơn nửa.
Mới đếm trên đầu ngón tay
Hệ thống ngân hàng vừa có thêm ACB và trước đó là 3 nhà băng “tốt nghiệp” Basel II là MB, VPBank và TPBank. Ba ngân hàng này chịu trách nhiệm hoàn thành các nội dung, đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020) kể từ ngày 1/5/2019. Trước 4 ngân hàng này, đã có 3 nhà băng được Ngân hàng Nhà nước công nhận áp dụng Basel II thành công là Vietcombank, VIB và OCB.
Theo tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cần đạt mức tối thiểu 8% - giảm 1% về mặt số học so với của Basel I, nhưng việc tính toán lại phức tạp hơn. Báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS đánh giá, nếu áp dụng theo cách tính của Basel II, CAR của các ngân hàng từ tiêu chuẩn Basel I có thể giảm từ 1 - 3%.
Tại Việt Nam, lộ trình áp dụng Basel II được Ngân hàng Nhà nước đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng tại 10 ngân hàng từ tháng 2/2016, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và MSB.
Giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này. Ban đầu thời hạn cho giai đoạn thí điểm được ấn định từ tháng 2/2016 đến cuối năm 2018 và giai đoạn 2 tính đến năm 2020. Tuy nhiên, trước áp lực về việc nâng cao vốn tự có gặp nhiều khó khăn, thời hạn áp dụng Basel II cho nhóm ngân hàng thí điểm đã được lùi sang năm 2020.
Với việc đáp ứng chuẩn mực Basel II, những nhà băng mới được công nhận sẽ được một cơ chế “thoáng” hơn về room tín dụng. Cụ thể, tại họp báo đầu năm 2019, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, có thể cho phép mức tăng trưởng tín dụng của những ngân hàng đáp ứng Basel II cao hơn các tổ chức tín dụng khác. Trong khi tăng trưởng tín dụng hiện được xem như một nút thắt trong tăng trưởng và lợi nhuận với nhiều đơn vị hiện nay.
Bởi Basel II là một bộ tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ bao gồm việc lượng hóa rủi ro thông qua các chỉ số và mô hình, mà còn bao gồm việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro, hoàn thiện các chính sách rủi ro, nâng cao văn hóa rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường.
Tuân thủ theo Basel II là ngân hàng đã được thừa nhận đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, hoạt động an toàn và bền vững hơn. Sau triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa ra thị trường các nước phát triển khác.
Theo phân tích một chuyên gia tài chính - ngân hàng, lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường. Khi khả năng quản trị rủi ro tốt hơn giúp nền kinh tế Việt Nam hoạt động bền vững hơn, giảm các nguy cơ vỡ nợ, khủng hoảng, giảm tác động xấu đến nền kinh tế khi khủng hoảng xảy ra.
Tuy nhiên, đến nay mới có hơn nửa trong 10 ngân hàng được thí điểm triển khai Basel II thành công và thêm OCB nằm ngoài danh sách trên. Còn lại, các nhà băng đang phải chạy đua thời gian để có thể áp chuẩn quốc tế nói trên trong năm 2019 này trước khi giờ G sẽ điểm (năm 2020). Nhưng tính khả thi còn tùy thuộc vào kế hoạch tăng vốn của ngân hàng có thành công trong năm 2019 hay không.
Trong đó, các ngân hàng có vốn nhà nước chiếm chi phối như VietinBank, BIDV sẽ có áp lực lớn trong việc tăng vốn, vì khó được chia cổ tức bằng cổ phiếu và room vốn ngoại đã phần nào được lấp đầy.
Áp lực hệ số CAR giảm
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên yêu cầu các ngân hàng thương mại sớm áp dụng Thông tư 41 về an toàn vốn ngay năm 2019 và thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngân hàng gắn liền xử lý nợ xấu.
Thực tế, do quá trình tăng vốn, nâng cao tiềm lực tài chính còn khó khăn thời gian qua, không chỉ với nhà băng nhỏ, mà cả khối ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh như BIDV, VietinBank cũng khó có thể đáp ứng sớm việc hoàn tất thực hiện chuẩn Basel II.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ CAR của toàn hệ thống đang ở mức khoảng 12% (quy định tối thiểu là 9%). Trong đó, CAR của khối ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh là 9,4% và của khối ngân hàng thương mại cổ phần là hơn 11,3%. Tới năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, CAR của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm hơn nữa dựa theo công thức mới.
Vì vậy, việc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước vừa bật đèn xanh cho BIDV hút vốn ngoại cũng được xem là động thái tích cực tiến tới Basel II. Theo đó, BIDV sẽ phát hành 603 triệu cổ phần, tương đương 17,65% vốn hiện tại và 15% vốn sau tăng cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc). Vốn điều lệ BIDV sẽ tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng.
Trong khi đó, VietBank cho biết, dự kiến trong quý II/2019, Ngân hàng sẽ nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước để xin áp dụng tính tỷ số an toàn vốn tối thiểu trước thời hạn. Sau hơn 2 năm triển khai, VietBank đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý dữ liệu, tính toán vốn tự có, tài sản tính theo rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động, vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường và tỷ lệ an toàn vốn theo yêu cầu của Thông tư 41.
Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank cho hay, bắt đầu từ cuối quý I/2019, Ngân hàng đã tổ chức thu thập những thông tin cần thiết để thực hiện tính CAR theo quy định của Thông tư 41 theo tiêu chuẩn của Basel II.
Tương tự, HDBank cho biết, từ năm 2015 - 2016, Ngân hàng đã lên các kịch bản chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu từ trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 41 với các chuẩn mực tương tự Basel II và sớm hoàn tất trong năm nay.
Sacombank cũng vừa khởi động dự án “Mô hình lượng hóa rủi ro tín dụng”, triển khai phần mềm xếp hạng tín dụng... Thông qua việc triển khai các dự án này, cùng với dự án “Hoàn thiện khung cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro”, Sacombank đang đẩy nhanh quá trình hoàn thành phương pháp tiêu chuẩn (Standard Approach - SA) và tiến lên phương pháp tiếp cận nội bộ của Basel II.
Tuy nhiên, CAR chỉ là một điều kiện buộc phải tuân theo, lợi ích lớn hơn mà các ngân hàng có được khi hoàn toàn tuân thủ Basel II là áp dụng những tiêu chuẩn đó vào hoạt động kinh doanh. Đi cùng với đó là mô hình quản trị rủi ro với 3 vòng bảo vệ. Thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu kinh doanh, trong 3 - 4 năm qua, nhiều ngân hàng đã tập trung vào việc cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và quản trị rủi ro.
Tất cả các đơn vị kinh doanh và đơn vị hỗ trợ thường xuyên nhận được báo cáo về mức độ sử dụng vốn theo chuẩn Basel II, cũng như các đề xuất nhằm tối ưu hóa việc sử dụng vốn, giúp giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động của ngân hàng. Các quyết định kinh doanh nhờ đó không chỉ dựa trên lợi nhuận, mà còn cân nhắc các yếu tố rủi ro đã được lượng hóa.
Tuy nhận thức được tiêu chuẩn tại Basel II là cần thiết để xây dựng quy trình, quy tắc quản trị rủi ro cho ngân hàng, nhưng lãnh đạo một số nhà băng cho rằng, yêu cầu của tiêu chuẩn Basel II khá cao, nên việc áp dụng cần có thêm thời gian để hoàn tất.
Về phía cơ quan quản lý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng đã áp dụng Basel II được hưởng cơ chế riêng, song cũng có sự kiểm tra và yêu cầu cao hơn với các ngân hàng thực hiện Basel II sớm. Nếu các ngân hàng vi phạm Thông tư 41 thì sẽ có chế tài khác, bị xử lý nặng gấp đôi so với các ngân hàng khác. Điều đó cho thấy, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho ngân hàng, nhưng các ngân hàng phải thể hiện trách nhiệm với Ngân hàng Nhà nước.