Tình trạng “hai mặt” của ví điện tử nước ngoài

Các địa điểm bán hàng tại Việt Nam sử dụng “chui” các máy POS do các ngân hàng Trung Quốc phát hành kết nối Internet trực tiếp với AliPay và WeChat Pay hoặc các ngân hàng, tổ chức thanh toán khác của Trung Quốc.


Điều đáng nói là tình hình này vẫn xảy ra dù Việt Nam đã có đầy đủ các quy định pháp luật chế tài các vi phạm nói trên.

Cụ thể, khoản 2 điều 1 Thông tư số 26/2017/TT-NHNN ngày 29-12-2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT- NHNN ngày 30-6-2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về hoạt động thẻ ngân hàng có quy định về hành vi bị cấm liên quan đến hoạt động phát hành, sử dụng, thanh toán thẻ: “Đơn vị chấp nhận thẻ chuyển thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code cho bên khác sử dụng; chấp nhận thanh toán thẻ mà không có hợp đồng thanh toán thẻ; sử dụng trái phép các thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code của tổ chức thanh toán thẻ ở Việt Nam hoặc của tổ chức thanh toán thẻ ở nước ngoài”.

Các vi phạm trong phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền 50-100 triệu đồng theo điểm b khoản 6 điều 28 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ.

Các quy định pháp luật xử lý các sai phạm nói trên xem ra chỉ có hiệu lực trên giấy, không có mấy hiệu quả trên thực tế nên hồi tháng 9 năm ngoái Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và NHNN rà soát, xử lý hành vi chuyển tiền kinh doanh qua POS trái phép. Không rõ cho đến nay các cơ quan này đã thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng đến đâu, hay họ vẫn còn đang “nghiên cứu”?!

Trong khi đó, NHNN đã đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán với nhiều quy định mới theo hướng kiểm soát, ràng buộc chặt chẽ việc mở tài khoản ví điện tử, quy định hạn mức giao dịch. Những quy định theo hướng siết chặt việc mở và sử dụng ví điện tử trên lãnh thổ Việt Nam của NHNN như vậy có thể hiểu được và chấp nhận được nếu nhìn từ góc độ an ninh, an toàn, phòng chống gian lận, rửa tiền.

Tuy nhiên, việc siết chặt quản lý như trong dự thảo của NHNN dường như chỉ là hành động “nắm kẻ có tóc”, tức các doanh nghiệp ví điện tử muốn kinh doanh một cách chính tắc, có đăng ký với cơ quan chức năng và hợp tác với các đối tác nội địa.

Còn với AliPay, WeChat Pay hoặc một số ứng dụng tương tự khác, một mặt, các doanh nghiệp chủ sở hữu chúng đã công bố và triển khai kế hoạch hợp tác với các đối tác trong nước để sử dụng các ví điện tử này một cách chính thức, hợp pháp tại Việt Nam. Nhưng mặt khác, như đã nói ở trên, các doanh nghiệp chủ sở hữu vẫn sẵn sàng cho phép sử dụng bất hợp pháp các ví điện tử này tại nhiều địa phương trong cả nước.

Để xử lý hữu hiệu tình trạng trên, trước tiên cần bắt đầu từ gốc. Theo đó, kiên quyết đặt điều kiện với các doanh nghiệp chủ sở hữu AliPay, WeChat Pay và các ví điện tử khác nếu muốn kinh doanh tại Việt Nam thì phải chấm dứt mọi hành vi chấp nhận thanh toán chuyển tiền bất hợp pháp như nói ở trên. Việc chấp hành này phải được thanh tra, kiểm tra thường xuyên.

Nếu phát hiện ra vi phạm thì cần thu hồi lập tức các loại giấy phép liên quan. Việc cấm đoán thẳng thừng hai ví điện tử này như của Nepal cũng là một tham khảo chính sách đắc dụng nếu tình hình ở Việt Nam khó hoặc không thể kiểm soát hữu hiệu được.

Đồng thời, các địa điểm bán hàng hóa, dịch vụ phục vụ du khách Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam cũng cần được giám sát chặt chẽ để phát hiện và xử phạt theo quy định của pháp luật. Việc này thoạt nhìn thì tỏ ra khó khăn với cơ quan chức năng (vì nhiều lý do!), được thể hiện qua con số ít ỏi số vụ việc vi phạm được phát hiện và công bố, nhưng nếu họ thực sự muốn làm tốt thì sẽ làm được. Hãy học cách của, ví dụ, ngành thuế trong việc điều tra doanh thu của một cửa hàng thuộc diện nghi vấn để tính và truy thu thuế.

Những biện pháp “vi mô” cứng rắn như vậy cũng sẽ góp phần làm giảm động cơ vi phạm của các đối tượng liên quan.