Sẽ có nhiều cơ chế để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
NHNN cho biết trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán của người dân.
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 diễn ra mới đây, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, mục tiêu về lĩnh vực thanh toán là đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%.
Cũng theo ông Dũng, mong muốn trong tương lai, tất cả giao dịch thanh toán sẽ được thực hiện chỉ trên một chiếc điện thoại di động. Nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, năm 2018, lĩnh vực thanh toán đã trải qua một năm đầy sôi động và cũng nhiều thách thức, lĩnh vực này đã được NHNN chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, quyết liệt, lấy việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm nhân tố quyết định.
Trên cơ sở đó, trong giai đoạn tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán của người dân; Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công; Xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia làm nền tảng kết nối tới các ngân hàng và tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới.
Đồng thời, NHNN cũng sẽ đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)...; Triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với Chiến lược Quốc gia về Tài chính Toàn diện tại Việt Nam và Thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ; Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính...